Công dụng cơ bản đầu tiên của các mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân chính là làm sạch, loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và vi khuẩn trên da, tóc và cơ thể. Những hoạt chất làm sạch nói chung sẽ giúp rửa trôi và tẩy rửa mọi bụi bẩn. Vì vậy, có những băn khoăn về tính an toàn của các thành phần làm sạch cho da, đặc biệt là các sản phẩm dùng trực tiếp lên gương mặt như sữa rửa mặt, tẩy trang,… Hôm nay, Beaudy.vn sẽ gửi tới các bạn một bài tổng hợp 20+ thành phần làm sạch trong mỹ phẩm giúp bạn hiểu rõ hơn về tính an toàn của chúng.
Thành phần làm sạch trong mỹ phẩm
Các sản phẩm làm sạch cá nhân bao gồm tẩy trang, sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội đều có khả năng loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn nhẹ trên da, đem lại sự thoải mái và khô thoáng cho làn da. Tuy nhiên có những dòng sản phẩm lại để lại tình trạng khô rít, căng nhẹ hoặc thậm chí là tình trạng kích ứng cho da nhạy cảm. Nguyên nhân là do các thành phần làm sạch trong mỹ phẩm là khác nhau. Chúng hoạt động theo những cơ chế khác nhau, có nhóm dịu nhẹ, có nhóm hoạt tính và tạo bọt mạnh, gây khô da.
Xét theo cơ chế làm sạch da, các thành phần được chia thành những nhóm cơ bản là:
- Nhóm các chất tự nhiên: những chất này thường được chiết xuất từ thiên nhiên như các vỏ cây, rễ cây, hoặc củ, quả,… có sẵn trong tự nhiên.
- Nhóm các axit béo: các chất này có thể lấy từ các loại tinh dầu tự nhiên hoặc cũng có thể được tổng hợp tùy từng thương hiệu. Nhìn chung là khá an toàn với làn da nhưng đồng thời khả năng là sạch cũng khá thấp.
- Nhóm các chất hoạt động bề mặt: là các thành phần có khả năng thẩm thấu vào các tế bào da để lôi đi những bụi bẩn và vi khuẩn. Đồng thời có một số chất hoạt động bề mặt có khả năng tạo bọt rất tốt nên làm sạch rất hiệu quả. Nhưng đồng thời chúng cũng là những nguyên nhân gây khô rít da sau khi rửa mặt.
- Nhóm chất nhũ hóa: là những chất giúp hòa tan các thành phần lại với nhau và giữ cho kết cấu sản phẩm ổn định. Chúng có thể loại bỏ bụi bẩn ở mức trung bình và đa phần là an toàn cho làn da.
- Muối: muối của các kim loại như natri và kali có khả năng làm sạch và hút bụi bẩn khá tốt, thường được sử dụng trong các mỹ phẩm với độ an toàn khá cao. Tuy nhiên, có loại muối khác là muối sunfate có thể gây khô da khi sử dụng do chứa nguyên tố lưu huỳnh.
- Một số hợp chất khác: polymer, ester,… là các chất khác được tổng hợp trong các phòng thí nghiệm cũng có khả năng làm sạch, an toàn cho da nhưng hiệu quả sẽ không được cao như các nhóm chất khác.
Tổng hợp 20+ thành phần làm sạch trong mỹ phẩm phổ biến hiện nay
Nhóm chất tự nhiên
Nước
Nước (Water hay Aqua) là một thành phần làm sạch trong mỹ phẩm và xuất hiện ở hầu hết trong tất cả các sản phẩm và được sử dụng chủ yếu để làm dung môi hòa tan các thành phần khác có lợi cho da. Ngoài ra, nước có tác dụng tạo ra hỗn hợp dầu – nước chính là các kết cấu kem hoặc lotion trong các loại mỹ phẩm. Vì là thành phần tự nhiên nên nước rất an toàn cho làn da và được sử dụng để làm sạch cho da rất tốt. Về đánh giá điểm an toàn cho làn da:
- Điểm CIR: A – an toàn
- Điểm EWG: VERIFIED
Citrus Aurantifolia Oil
Đây là một dạng tinh dầu dễ bay hơi có thể thu được từ họ cam quýt, chanh. Với lượng vitamin C dồi dào, nó cũng là thành phần làm sạch trong mỹ phẩm, hoặc ủ tóc, đắp mặt nạ, giúp da trắng sáng hơn. Mặt khác đây cũng là thành phần có thể tạo mùi hương tự nhiên cho sản phẩm mà không gây kích ứng.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 4 – Nguy cơ trung bình
Thành phần là rất an toàn với da và không gây dị ứng hay mẫn cảm ở nồng độ cho phép, có độ lành tính cao nhưng vẫn có một số người bị kích ứng bởi chiết xuất tinh dầu nên EWG vẫn đánh giá mức độ nguy hiểm ở mức nguy cơ trung bình.
Vì chứa hoạt chất là vitamin C nên những sản phẩm chứa Citrus Aurantifolia Oil có thể gây bắt nắng cho người sử dụng.
Salvia Officinalis Leaf Extract
Salvia Officinalis Leaf Extract là một thành phần có nguồn gốc từ lá an xoa tên khoa học là Salvia Officinalis. Đây là một loài thảo mộc thường được sử dụng trong ẩm thực để tạo hương vị. Thành phần làm sạch trong mỹ phẩm, trị gàu, chăm sóc răng miệng. Thành phần này được đánh giá là an toàn và không gây mẫn cảm hay dị ứng cho da.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Betula Alba Bark Extract
Đây là một chiết xuất vỏ cây bạch dương trắng có chứ Tannin và Triterpenes là các chất có khả năng làm sạch da, chống oxy hóa. Thành phần này được đánh giá an toàn trong mỹ phẩm và khả năng gây kích ứng rất thấp.
- Điểm EWG: 2 – nguy cơ thấp
2. Nhóm các axit béo
Stearic Acid
Stearic Acid là một acid béo có trong tự nhiên với vai trò là chất làm sạch bề mặt hoặc nhũ hóa bề mặt. Chất hoạt động bề mặt trong mỹ phẩm hiểu đơn giản là các chất có tác dụng trộn lẫn các thành phần và cho phép các thành phần đó thẩm thấu vào da đồng đều hơn. Mặt khác, chúng còn có thể tẩy nhờn và nhũ hóa các thành phần gốc dầu, rửa sạch chất bẩn và bã nhờn trên da. Chất hoạt động bề mặt có một phần với khả năng thu hút các phân tử dầu nhờn trên da và loại bỏ chúng một cách nhanh chóng.
Còn chất nhũ hóa trong mỹ phẩm hiểu đơn giản là chất giúp kết cấu sản phẩm trở nên đồng nhất hơn bởi các thành phần không thể hòa tan hoàn toàn vào nhau, cần có một chất trung gian kết nối các thành phần lại thành một sản phẩm dưỡng da có kết cấu đồng nhất. Chất nhũ hóa chính là thành phần này. Chúng cũng có một bộ phận ưa thích dầu, có thể thu hút dầu nhờn và làm sạch dầu thừa trên da.
Ngoài ra, stearic acid còn có chức năng tạo hàng rào bảo vệ tự nhiên cho da, dưỡng ẩm, ngăn ngừa mất nước, giúp giảm các tổn thương trên da một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Một nhược điểm của loại axit béo này là có thể bị lấy từ động vật, nhưng vẫn có loại stearic acid thuần chay với nguồn gốc từ ca cao, bơ hạt mỡ,… Vậy nên, các bạn có thể kiểm tra tính thuần chay của thành phần này tùy vào từng thương hiệu mỹ phẩm nhé.
Các hội đồng chuyên gia đã đánh giá khoa học về tính an toàn của thành phần này như sau:
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Palmitic Acid
Palmitic Acid cũng là một loại axit béo khác phổ biến trong các sản phẩm skincare. Công dụng chính của nó là chất làm mềm da, chất hoạt động bề mặt và dưỡng ẩm cho da. Về cơ bản, cơ chế hoạt động của Palmitic Acid giống với Stearic Acid vì chúng cùng là những axit béo. Thành phần này xuất hiện nhiều trong các sản phẩm sữa rửa mặt hoặc sữa tắm vì nó có khả năng loại bỏ bụi bẩn và dầu trên da một cách nhanh chóng nhưng đồng thời cũng giúp da mềm mại và mịn màng hơn tức thì. Các hội đồng chuyên gia đã đánh giá khoa học về tính an toàn của thành phần này như sau:
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Myristic Acid
Myristic Acid cũng là một loại acid béo rất phổ biến trong mỹ phẩm có nguồn gốc từ Moluccas của Indonesia và được tìm thấy trong các quả bơ, dầu dừa và dầu hạt cọ. Như những axit béo khác, myristic acid có khả năng làm mịn da, là chất nhũ hóa điều chỉnh kết cấu sản phẩm. Ngoài ra, thành phần này có thể làm sạch da hiệu quả, tuy nhiên nó có thể làm khô da. Đây là một thành phần khá phổ biến trong các dòng sữa rửa mặt, chăm sóc tóc hay phấn trang điểm với mục đích làm dày phấn. Các hội đồng chuyên gia đã đánh giá khoa học về tính an toàn của thành phần này như sau:
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Lauric Acid
Lauric Acid hay còn có tên khác là Acid Dodecanoic là một axit béo bão hòa với nguồn gốc từ dầu dừa, sữa dừa, dầu nguyệt quế và hạt cọ. Thành phần có nhiều công dụng khác nhau trong chăm sóc sắc đẹp như kháng khuẩn, làm sạch và loại bỏ các vi khuẩn, giảm tình trạng vảy nến như một chất nhũ hóa hoặc làm sạch. Các hội đồng chuyên gia đã đánh giá khoa học về tính an toàn của thành phần này như sau:
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Ngoài các axit béo có tên kể trên, các dẫn xuất của axit này cũng có khả năng tương tự các axit. Một số dẫn xuất của axit béo sẽ có tên như Laurate, Myristate, Stearate,…
3. Nhóm chất hoạt động bề mặt
Chất hoạt động bề mặt hiểu đơn giản các chất với 2 bộ phận, một đầu có thể hòa tan vào trong nước (bao gồm các ion có điện tích như natri, kali với tên tiếng anh là Sodium, Potassium hoặc là các chất sulfate, sulfonic,…) và một đầu có khả năng hút dầu tốt (là những polyme hoặc các phân tử chất béo mạch dài). Các bộ phận ưa dầu có khả năng tụ tập lại với nhau tạo ra các hạt micell nhỏ len vào từng lớp biểu bì da, hút sạch dầu thừa và bụi bẩn trên làn da. Đồng thời, đa số các chất hoạt động bề mặt đều có thể làm mềm da hiệu quả. Một số khác còn có khả năng tạo bọt rất tốt, phù hợp với những sản phẩm làm sạch như sữa tắm, sữa rửa mặt,…
Sodium Laureth Sulfate (SLS)
Thành phần có tên gọi khác là Sodium Lauryl Slufate được sử dụng như một chất tẩy rửa, nhũ hóa sản phẩm và làm sạch. Đây là một hợp chất chứa lưu huỳnh, cụ thể là gốc sunfat với nhiều sự tranh cãi về công dụng và tính an toàn. Lợi ích của SLS bao gồm tạo bọt hiệu quả, hút dầu nhanh chóng và có khả năng tẩy trang rất tốt. Đồng thời chống lại vi khuẩn và kháng khuẩn bảo vệ làn da. Tuy nhiên SLS để lại một số tác dụng phụ như dị ứng với nồng độ cao, gây ra bệnh chàm và hồng ban.
Đây vẫn là một thành phần được các tổ chức đánh giá là an toàn khi sử dụng với nồng độ vừa phải.
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 3 – Nguy cơ trung bình
Disodium Laureth Sulfosuccinate
Đây là một chất hoạt động bề mặt với 2 ion natri thay vì 1, có khả năng tạo bọt tuyệt vời nhưng lại ít gây kích ứng hơn. Đây là thành phần được khuyên dùng cho các sản phẩm làm sạch da em bé, làn da nhạy cảm. Thành phần không có khả năng thấm qua các tế bào da để đi vào máu, không có độc tính toàn thân và không gây độc gen. Theo đánh giá của các tổ chức, sản phẩm có:
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 3 – Nguy cơ trung bình
Sodium Oliveamphoacetate
Đây là một hợp chất lưỡng tính, không có nhóm sulfate mà thay vào đó là nhóm acetate (một nhóm chất hữu cơ) an toàn hơn. Thành phần có khả năng làm sạch, tạo bọt hiệu quả như một chất hoạt động bề mặt. Sản phẩm chứa thành phần này có khả năng kích ứng ở mức thấp nhất.
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Coco-Betaine
Đây là một chất làm sạch da trên bề mặt một cách nhẹ nhàng, có công dụng nhũ hóa và tạo bọt ở mức độ vừa phải. Thành phần này thường có màu vàng nhạt hoặc trong suốt. Nhược điểm của thành phần này là khả năng làm sạch khá yếu, không thích hợp với người trưởng thành nhưng bù lại, đây là một thành phần khá lý tưởng cho các sản phẩm chăm sóc trẻ em.
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Sodium Cocoyl Glycinate và Potassium Cocoyl Glycinate
Thành phần này là dẫn xuất có nguồn gốc tự nhiên với công dụng làm sạch dịu nhẹ, không gây khô rít ra và tạo bọt mịn. Thành phần được đánh giá an toàn và khả năng gây kích ứng thấp cho cơ thể.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Dimethicone
Thành phần có tên gọi khác là polymethylsiloxane, là một loại silicones hoạt động như một chất chống tạo bọt, bảo vệ làn da và dưỡng da, dưỡng tóc hiệu quả. Đồng thời, nó hình thành một hàng rào bảo vệ trên da, giúp giữ ẩm, ngăn ngừa mất nước, mang lại cảm giác mềm mại và mịn màng. Nhiều thí nghiệm có cho thấy rằng dimethicone không gây kích ứng và dị ứng cho da, cũng như không có bằng chứng khoa học nào về việc phát sinh độc cho cơ thể, gây rụng tóc khi sử dụng thành phần này.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 4 – Nguy cơ trung bình
4. Nhóm chất nhũ hóa
Chất nhũ hóa là các hợp chất có khả năng liên kết, giúp các thành phần có thể trộn lẫn với nhau để tạo ra kết cấu đồng nhất. Ngoài ra, một số chất nhũ hóa có khả năng làm sạch, điều hòa da giúp da sáng mịn tự nhiên.
Sodium Stearoyl Glutamate
Sodium Stearoyl Glutamate là một chất nhũ hóa được tạo bởi axit amin, được coi là một thành phần tới từ tự nhiên và thân thiện với môi trường cũng như không gây dị ứng cho da bởi thành phần này có độ pH tương tự với da. Chức năng chính của thành phần là làm sạch, là chất nhũ hóa, điều hòa da và tóc. Thành phần được đánh giá an toàn và khả năng gây kích ứng thấp cho cơ thể.
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
PEG – 4 – Laurate
Đây là một thành phần được tạo ra từ Lauric Acid và Polyethylene Glycol (PEG). Thành phần này có khả năng giảm sức căng bề mặt của dung dịch, nhũ hóa, giúp các thành phần trộn lẫn với nhau. Đồng thời chúng cũng có khả năng làm sạch da và tóc một cách nhanh chóng nhờ khả năng hút dầu và bụi bẩn hiệu quả. Theo đánh giá của các tổ chức, thành phần này có khả năng gây kích ứng và có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên với mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, nếu sử dụng ở nồng độ thấp hơn 25% vẫn rất an toàn cho cơ thể.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 4 – Nguy cơ trung bình
Ngoài PEG – 4 – Laurate, một số thành phần tương tự khác như PEG-4-Dilaurate, PEG-150 Distearate, PEG-8 Laurate, PEG-10 Rapeseed Sterol, PEG-100 Stearate đều là các sản phẩm từ PEG với những axit khác nhau nên đều có khả năng làm sạch và độ an toàn khá giống với thành phần này.
5. Các loại muối
Một số loại muối của kim loại như Natri (Sodium) hoặc Kali (Potassium) với các axit béo có khả năng làm sạch và tạo bọt khá tốt, thích hợp cho các dòng mỹ phẩm như tẩy trang, sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội,…
Sodium C14-16 Olefin Sulfonate
Đây là một hỗn hợp các muối sulfonate với các olefin mạch dài có khả năng tẩy rửa và làm sạch rất tốt, tạo bọt mạnh. Tuy nhiên các sản phẩm có tên olefin thường được sản xuất từ quá trình cracking dầu mỏ. Các chuyên gia cũng kết luận đây là thành phần an toàn khi sử dụng ở nồng độ không quá 2% trong các sản phẩm tẩy rửa. Với nồng độ từ 5-10% có thể gây kích ứng cho mắt.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 2 – Nguy cơ thấp
Sodium Laurylglucosides Hydroxypropylsulfonate
Đây là muối của kim loại natri có công dụng làm sạch, nhũ hóa và tăng cường tạo bọt. Thành phần có tính an toàn rất cao, khả năng gây kích ứng thấp nhất.
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Sodium Taurine Cocoyl Methyltaurate
Đây là muối hữu cơ có khả năng làm sạch, nhũ hóa và một chất hoạt động bề mặt. Thành phần là an toàn trong mỹ phẩm khi công thức của chúng không hề gây kích ứng.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Sodium Isethionate
Sodium Isethionate là muối hữu cơ với công dụng chính là làm sạch, dưỡng tóc và dưỡng da. Thành phần được các hội đồng chuyên gia đánh giá là an toàn trong mỹ phẩm và không gây kích ứng.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Potassium Cetyl Phosphate
Đây là muối của kali là hỗn hợp của phosphoric acid và cetyl alcohol. Đây là một thành phần phổ biến trong kem chống nắng vì nó có thể tăng khả năng chống nước. Ngoài ra chúng còn có thể làm sạch da với cơ chế như một chất hoạt động bề mặt hoặc chất nhũ hóa. Các hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần này ở mức độ an toàn.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Sucrose Stearate
Sucrose Stearate là một monoeste của stearic acid với đường sucrose được sử dụng nhiều trong chăm sóc da, chống nắng và chăm sóc cơ thể. Đây là một chất có khả năng làm mềm da, dưỡng da và làm sạch da một cách nhẹ nhàng được các hội đồng chuyên gia đánh giá an toàn với da.
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
6. Một số nhóm chất khác
Một số các hợp chất ester, polyme khác cũng có khả năng làm sạch dịu nhẹ cho da và chúng có mặt trong đa dạng các sản phẩm như sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội đầu,…
Alpha – Glucan Oligosaccharide
Alpha – Glucan Oligosaccharide là một oligome glucose được điều chế từ đường saccharide. Đây là một thành phần bảo vệ da tự nhiên được tổng hợp nhờ enzyme đường sucrose và maltose, nó kích thích hệ vi khuẩn có lợi cho da, giải phóng peptide kháng khuẩn, có thể làm sạch và dưỡng da sáng mịn. Các tổ chức chuyên gia như EWG đều xếp hợp chất này vào dạng an toàn, kích ứng ở mức thấp nhất.
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Trideceth-10
Trideceth-10 là một ete polyethylene glycol của tridecyl alcohol với nhiều đồng phân khác nhau. Công dụng của chúng là làm sạch với cơ chế giống như chất hoạt động bề mặt. Ngoài ra có thể sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Các tổ chức chuyên gia CIR và EWG đã đánh giá hợp chất này có khả năng gây kích ứng cho da.
- Điểm CIR: B – Nguy cơ trung bình
- Điểm EWG: 1 – Nguy cơ thấp
Poloxamer 124
Poloxamer 124 là một polyme khối polyoxyethylene, polyoxypropylene. Những poloxamers là chất lỏng không màu hoạt động như chất nhũ hóa và chất hoạt động bề mặt giúp các thành phần khác hòa tan được với nhau. Thành phần này được dùng trong làm sạch da và tóc một cách nhẹ nhàng bởi chúng có tác động khá nhẹ với da. Vì vậy, nên đây là thành phần hầu như không gây kích ứng cho da.
- Điểm CIR: A – An toàn
- Điểm EWG: 2 – Nguy cơ thấp
Trên đây là các thành phần làm sạch trong mỹ phẩm thường có, hiểu rõ về các thành phần sẽ giúp các bạn tìm được các sản phẩm phù hợp nhất với làn da. Hãy ghé thăm Beaudy thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích khác nhé.
Mình rất mong nhận được những đánh giá và phản hồi của các bạn về bài viết này. Hãy để lại ý kiến của mình ở phần bình luận nhé!