Bạn có đang tuyệt vọng vì mọi công sức đều “đổ sông đổ bể”? Dù bạn đã ăn uống khoa học, tập luyện đều đặn, ngủ đủ giấc, chăm sóc da tỉ mỉ… Nhưng mụn vẫn ngang nhiên chiếm đống khuôn mặt bạn. Đừng lo lắng, bởi bạn không hề có một mình. Beaudy.vn sẽ ở đây cùng bạn tìm ra 7 nguyên nhân gây mụn để lấy lại làn da mịn màn, rạng rỡ ngay hôm nay!
- Mụn nội tiết: kẻ thù thầm lặng bên trong cơ thể
- Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng: não bộ thứ 2 của cơ thể và làn da
- Stress mãn tính: vòng xoáy mụn dai dẳng
- Dị ứng thực phẩm tiềm ẩn trong bữa ăn lành mạnh
- Chăm sóc da quá đà hoặc không phù hợp
- Chú ý đến môi trường sống và các yếu tố bên ngoài
- Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng mà không hề hay biết!
Mụn nội tiết: kẻ thù thầm lặng bên trong cơ thể

Hormone Androgen, đặc biệt là testosterone trong cơ thể có liên quan mật thiết với mụn nội tiết. Đây là loại mụn khó chiều chuộng và giải quyết ở cả nam và nữ, bởi hormone này tăng cao kéo theo dầu thừa gây bít tắc lỗ chân lông. Ở nữ giới, trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường rối loạn hormone estrogen và progesterone, dẫn đến những thay đổi về mặt nội tiết. Đây là những rối loạn bên trong cơ thể, đôi khi chúng ta không thể kiểm soát toàn diện được.
Khi bị mụn nội tiết, bạn cần tìm đến bác sĩ vì đây là cốt lõi của việc điều trị. Bạn có thể sẽ được cân nhắc cho dùng các loại thuốc tránh thai kết hợp để điều hòa lại hormone androgen, thuốc lợi tiểu, hoặc điều trị PCOS.
Tuy bạn có lối sống lành mạnh trước đó, nhưng với mụn nội tiết, bạn cần chú ý hơn việc giảm các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (nhất là các loại bánh mì, đường), thậm chí cả sữa và chế phẩm từ sữa nữa.
Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng: não bộ thứ 2 của cơ thể và làn da

Hiện nay, nếu bạn có theo dõi các chủ đề làm đẹp chắc chắn sẽ nghe nhắc đến khái niệm Microbiome Skincare. Đây không chỉ là trào lưu, mà còn là cả hệ thống tư duy về hệ vi sinh vật của cả 3 trục: não – ruột và da. Khi có tình trạng loạn khuẩn xảy ra, các vi khuẩn xấu tiết ra nhiều độc tố, gây viêm đỏ da. Tình trạng này kéo dài có thể làm nặng thêm mụn trứng cá nữa đấy. Ngoài ra, rối loạn hệ vi sinh kéo theo chậm hấp thu các dưỡng chất như vitamin, khoáng chất.
Bạn có thể cân nhắc bổ sung các loại Probiotics (là những vi khuẩn có lợi), Prebiotics (”thức ăn” cho vi khuẩn trong sữa chua, kim chi hay dưa muối). Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất xơ cũng sẽ giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột nữa. Bên cạnh đó, đừng quên giảm thực phẩm chế biến sẵn, đường và chất béo không lành mạnh.
Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa ruột và da, nhưng đây không phải nguyên nhân duy nhất gây mụn. Và việc cải thiện hệ vi sinh này cần thời gian và kiên trì, không thể cho ngay kết quả tức thì được.
Stress mãn tính: vòng xoáy mụn dai dẳng

Khi chúng ta chịu áp lực và căng thẳng kéo dài, có thể làm tăng hormone cortisol và androgen. Cả 2 đều dẫn đến tăng sản xuất bã nhờn, đặc biệt cortisol còn làm viêm âm ỉ kéo dài ngày qua ngày. Stress làm suy yếu hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lành thương và khiến mụn lâu khỏi hơn nữa đó.
Cũng chính vì thế, bạn cần tìm cách đối phó với stress, không phải bứng rễ nó ra ngay. Mà tìm những giải pháp đối trị tích cực như: thiền, yoga, tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc, dành thời gian yêu thương và chăm sóc bản thân mình.
Stress cũng được cải thiện nếu bạn có giấc ngủ ngon từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày nữa đó. Đừng quên cắt giảm các chất kích thích như là caffein và nicotine vì chúng sẽ làm tăng mức độ căng thẳng của bạn lên đấy.
Dị ứng thực phẩm tiềm ẩn trong bữa ăn lành mạnh

Lành mạnh nhưng không đồng nghĩa phù hợp với tất cả mọi người. Nhất là nếu bạn có nguy cơ dị ứng với thức ăn (bỏ qua trường hợp phản vệ vì đây là triệu chứng cấp tính, cần cấp cứu ngay á). Thì dị ứng thức ăn tiềm ẩn diễn ra âm ỉ và khó nhận biết hơn. Khi cơ thể tiếp xúc với thực phẩm mà nó nhạy cảm, có thể gây viêm mãn tính nhưng ở mức thấp, nhưng viêm có thể ảnh hưởng đến da lắm.
Các thực phẩm lành mạnh nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mà bạn nên chú ý đến: sữa và chế phẩm từ sữa (đặc biệt các loại whey chứa nhiều protein), gluten (trong lúa mì, lúa mạch), trứng, đậu nành, ngô, các loại hạt, đường,… Bạn có thể thấy đấy, đây đều là các thức ăn phổ biến và hầu như đều dùng được hàng ngày hết.
Chăm sóc da quá đà hoặc không phù hợp

Một nguyên nhân khiến mụn dai dẳng mà chúng ta có thể kiểm soát được, chính là thói quen skincare của mình. Bạn hãy nhìn lại routine của mình xem: có đang tẩy tế bào chết quá nhiều không? Rửa mặt quá 2 lần trong ngày với các sản phẩm có tính kiềm cao (pH hơn 7)? Dùng quá nhiều sản phẩm, quá nhiều treatment như AHA, BHA, Retinol?
Thậm chí, bôi thoa nhiều bước cũng có thể dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông nữa, da chúng ta không thể hấp thu kịp khi bạn dưỡng sai cách. Dưỡng nhiều bước nhưng lại quên, nền tảng quan trọng nhất của da chính là độ ẩm, thiếu ẩm sẽ gây ra nhiều vấn đề trong đó có cả mụn trứng cá.
Chú ý đến môi trường sống và các yếu tố bên ngoài

Với da mụn thì mọi yếu tố từ trong ra ngoài đều có thể là nguyên nhân cả, thế nên đừng bỏ sót điều gì. Ở Việt Nam chất lượng không khí thường không tốt lắm, nhiều bụi mịn, nhiều khói bụi, nhiều khí thải công nghiệp đang thải ra hàng ngày. Chưa kể đến, đây là môi trường nắng nóng độ ẩm cao, khiến cho mụn dễ dàng phát triển.
Hãy nhìn lại xem liệu rằng nguồn nước bạn đang dùng có chứa chất tẩy rửa mạnh trong đó không, nước xả vải, hương liệu tổng hợp có thể là nguyên nhân gây mụn lưng dai dẳng đó. Đừng quên, thủ phạm gây mụn có thể nằm trong chính gối nằm và mền bạn đang dùng hàng ngày.
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng mà không hề hay biết!

Không có điều gì đảm bảo bạn ăn lành mạnh nhưng đủ chất cần thiết cho cơ thể nói chung, hay da mụn nói riêng. Bạn có thể dễ bị mụn hơn người khác nếu như thiếu các loại khoáng chất và vitamin sau đây: kẽm, vitamin A, vitamin D, vitamin E, Omega 3 và các axit béo,… Thiếu hụt vi chất lâu ngày sẽ làm chậm quá trình hồi phục da, viêm kéo dài hơn, chức năng hàng rào bảo vệ da bị suy yếu.
Bạn có thể đa dạng hóa khẩu phần ăn với nhiều loại rau củ có màu sắc khác nhau, ăn nhiều thực phẩm. Đừng vội uống thực phẩm chức năng, mà nên thăm khám và đánh giá bởi bác sĩ dinh dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt, nếu bạn có vấn đề về đường ruột có thể làm giảm hấp thu khoáng chất nữa đó.
Bạn thấy đó, sống “siêu” lành mạnh nhưng không đồng nghĩa với việc làn da sẽ không có mụn. Có rất nhiều yếu tố xung quanh mụn mà chúng ta thường hay bỏ qua. Thế nên, Beaudy.vn luôn muốn mách các bạn những yếu tố tiềm ẩn, tưởng nhỏ xíu, nhưng có thể khiến bạn bị mụn dai dẳng không khỏi. Chỉ cần bạn kiên nhẫn tìm hiểu và lắng nghe làn da, chắc chắn bạn sẽ có được làn da đẹp ngay ấy mà!
Các bạn có thể giúp mình rất nhiều bằng cách đóng góp ý kiến và phản hồi về bài viết này.