Đừng vội nghĩ da dầu là phải mụn! Nỗi ám ảnh này đang khiến hàng triệu người lầm tưởng về làn da của chính mình. Sự thật là: da dầu hoàn toàn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị mụn! Đã đến lúc Beaudy.vn vén màn bí mật này! Mình sẽ giúp các bạn hiểu rõ: liệu da dầu có chắc chắn bị mụn? Và quan trọng hơn: Vì sao da dầu của người khác lại đẹp không tì vết, còn bạn thì vẫn loay hoay với mụn? Hãy đọc ngay để tìm ra bí quyết nhé!
- Mối liên hệ giữa da dầu và mụn là gì?
- 5 thủ phạm thực sự đằng sau mụn: không chỉ riêng dầu!
- Rối loạn nội tiết tố: “bão ngầm” phá hủy làn da dầu mụn
- Chế độ sinh hoạt sai lầm: kẻ thù thầm lặng của da dầu
- Sai lầm trong chăm sóc da dầu mụn
- Bỏ quên yếu tố môi trường âm thầm tác động mỗi ngày
- Di truyền: thử thách cho làn da dầu
- Chìa khóa kiểm soát dầu và đánh bay mụn
Mối liên hệ giữa da dầu và mụn là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu bản chất của dầu thừa hay bã nhờn là gì. Bã nhờn là một chất lỏng dạng dầu do tuyến bã nhờn ở bên dưới da tiết ra, chúng có mặt ở khắp mọi nơi trên cơ thể, từ: mặt, ngực và lưng (trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân). Không phải ngẫu nhiên bã nhờn lại có mặt trong cơ thể mình đâu nhá, chúng có vai trò đó, chỉ là ít ai nhắc đến mà thôi.
- Dầu giúp dưỡng ẩm tự nhiên cho da mềm mại và không khô căng
- Dầu bảo vệ da ngăn tác nhân từ bên ngoài tấn công vào
- Dầu hỗ trợ chống oxy hóa trung hòa các gốc tự do
Chỉ khi tuyến bã nhờn bị hoạt động quá mức, lúc này dầu thừa tiết ra nhiều mới bắt đầu gây rắc rối. Nhưng mụn không chỉ là câu chuyện của dầu nhờn, mà còn là bức tranh với sự đóng góp: tế bào chết gây sừng hóa cổ nang lông, vi khuẩn C.Acnes thường trú và phản ứng viêm của cơ thể.
5 thủ phạm thực sự đằng sau mụn: không chỉ riêng dầu!
Rối loạn nội tiết tố: “bão ngầm” phá hủy làn da dầu mụn

Đứng sau hàng loạt ca bị mụn dai dẳng lâu ngài không khỏi, nhất là các nốt mụn viêm, mụn nang dọc hai bên hàm cằm. Đó là tình trạng mụn nội tiết, liên quan đến hormone Androgen (liên quan đến hormone testosterone ở nam giới). Mụn nội tiết sẽ xoay quanh những thời điểm quan trọng: chu kỳ kinh nguyệt, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), căng thẳng mạn tính, chế độ ăn uống,…
Bản chất của mụn nội tiết không chỉ liên quan đến dầu do hormone Androgen tiết ra. Mà hormone này còn ảnh hưởng gián tiếp quá trình sừng hóa bất thường, khiến các tế bào sừng dính vào nhau và khó bong ra, hình thành nên các comedone (mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn). Cùng với đó, hormone Androgen tăng bất thường làm rối loạn nội tiết tố, khiến các vi khuẩn C.Acnes có điều kiện phát triển mạnh hơn.
Chế độ sinh hoạt sai lầm: kẻ thù thầm lặng của da dầu
Bên cạnh 4 trụ cột chính gây ra mụn, thì mụn phức tạp hơn đó rất nhiều. Ngay cả những chế độ ngủ nghỉ, ăn uống và tập luyện thể thao cũng là nguyên nhân hình thành nên mụn. Ví dụ như thiếu ngủ và căng thẳng mạn tính khiến hormone cortisol tăng cao, suy giảm khả năng phục hồi da, giảm lưu lượng máu đến nuôi tế bào.
Nếu bạn hay ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI) như bánh kẹo, đồ ngọt, nước ngọt, cơm trắng, tinh bột,… sẽ làm tăng hormone Insulin và IGF-1 thúc đẩy phát triển của mụn bằng cách: tăng sản xuất bã nhờn và sừng hóa nang lông.
Sai lầm trong chăm sóc da dầu mụn

Da càng đổ nhiều dầu bạn càng chăm sóc nhiều hơn – đó là thực tế của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Thế nhưng làm sạch quá mức dẫn đến phá vỡ lớp màng lipid bảo vệ da, làm hàng rào bảo vệ da bị nứt nẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn C.Acnes đi vào bên trong. Hoặc bạn chọn các sản phẩm không phù hợp, dễ gây bít tắc lỗ chân lông, nhất là các thành phần: dầu khoáng cô đặc, lanolin, dầu dừa, bơ cacao,…
Một lầm tưởng phổ biến của rất nhiều bạn da dầu đó là ngại cấp ẩm, vì cho rằng cấp ẩm càng dầu hơn. Thế nhưng khi da thiếu nước các tế bào sẽ gửi tín hiệu đến tuyến bã nhờn, bảo chúng nó làm việc nhiều hơn đi, lúc này dầu thừa sẽ liên tục tạo ra và bạn không biết lý do tại sao.
Bỏ quên yếu tố môi trường âm thầm tác động mỗi ngày
Dầu và mụn còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng ô nhiễm hiện nay lắm. Bởi ô nhiễm và bụi bẩn kéo theo hiện tượng bít tắc lỗ chân lông, tạo ra các phản ứng stress oxy hóa, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da. Đặc biệt ở Việt Nam, khí hậu nóng ẩm kéo dài nên da có xu hướng đổ nhiều dầu hơn, cũng vì đó vi khuẩn và vi nấm thừa dịp phát triển mạnh mẽ.
Di truyền: thử thách cho làn da dầu
Có một điều rất đặc biệt, có những bạn vốn thuộc cơ địa da dễ tiết dầu hơn bình thường, liên quan đến nhạy cảm các thụ thể Androgen trong gen. Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể nữa, người có xu hướng đáp ứng viêm mạnh hơn, sẽ dễ thấy tình trạng mụn sưng đỏ, đau và dễ để lại sẹo. Tuy không thể thay đổi gen và bộ máy đã có, nhưng bạn có thể kiểm soát dầu thông qua những tips sau đây nhé!
Chìa khóa kiểm soát dầu và đánh bay mụn

Sau đây chúng ta sẽ có 5 quy tắc cơ bản dễ dàng áp dụng cho các bạn có làn da dầu (Beaudy.vn sẽ có bài viết chi tiết hơn, mô tả cách áp dụng 5 tips kiểm soát dầu hiệu quả, nên bạn hãy đón xem nhé!).
- Làm sạch da dầu đúng cách, chúng ta chỉ cần giảm bớt lượng dầu thừa, nhưng vẫn tôn trọng thành phần tự nhiên này. Làm sạch phù hợp, nhẹ nhàng với độ pH cân bằng (4.5 đến 6.0).
- Cấp nước tốt cho làn da, bạn có thể chọn các thành phần Humectants giúp hút nước hút ẩm từ bên ngoài và trong da để giảm bớt dầu: Urea, Glycerin, Lactic Acid,…
- Ưu tiên nhóm các hoạt chất vàng cho làn da dầu mụn có trong serum, kem dưỡng ẩm như: BHA (salicylic Acid), Retinoids (Retinol, Tretinoin), Niacinamide (vitamin B3), Benzoyl Peroxide, chiết xuất tràm trà, chiết xuất cây phỉ,…
- Xây dựng routine đúng chuẩn cho làn da dầu mụn, đơn giản, ít bước nhưng đúng cơ chế làm tăng tiết dầu.
- Thay đổi lối sống trở nên lành mạnh hơn, bắt đầu từ chế độ ăn uống giảm bớt đường và sữa, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, uống nhiều nước lọc trong ngày.
Qua bài viết này chúng ta có thể hiểu rằng không phải cứ da dầu là bị mụn, mà là da dầu kèm theo bít tắc cổ nang lông, viêm nền và sự tham gia vi khuẩn C.Acnes tạo thành mụn. Về bản chất dầu không xấu mà còn cần thiết để làn da tươi trẻ và làm chậm lão hóa nữa đấy. Beaudy.vn cảm ơn bạn đã luôn theo dõi các bài viết và hẹn gặp lại các bạn trong nhiều chủ đề làm đẹp sắp tới nhé!
Mình rất mong muốn nhận được sự đóng góp của các bạn về bài viết này, hãy để lại ý kiến của bạn ở phần bình luận để mình có thể cải thiện bài viết hơn.