Bao lâu nay, bạn vẫn đinh ninh mụn chỉ xuất hiện trên da dầu? Nhưng sự thật phũ phàng là hàng ngàn bạn da khô ngoài kia đang chật vật vì mụn! Quan niệm da khô không mụn đã lỗi thời và hoàn toàn sai lầm. Vậy đâu là nguyên nhân? Hóa ra mụn không chỉ là câu chuyện của dầu thừa. Đừng lo! Nắm tay cùng Beaudy.vn vạch trần sự thật về da khô bị mụn, và bí quyết sở hữu làn da sạch mụn căng mướt ngay hôm nay nhé!
Đặc điểm sinh học của da khô

Da khô được xác định bởi sự thiếu hụt của các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên bên trong da (NMFs), đặc biệt là suy giảm các lớp lipid bao gồm axit béo, ceramide và cholesterol trong lớp sừng. Khi sự thiếu hụt các chất dưỡng ẩm và bảo vệ da kéo dài, dẫn đến da bị mất nước nghiêm trọng, hàng rào bảo vệ da tổn thương.
Bạn có thể nhận diện da khô thông qua các biểu hiện như căng tức, bong tróc, kém đàn hồi, các nếp nhăn nhỏ li ti xuất hiện rõ ràng khi còn trẻ tuổi. Nhìn vào bề mặt da thiếu độ căng bóng, thiếu mịn màng. Và quan trọng nhất dẫn đến mụn trứng cá và thâm mụn, đó là da khô thiếu khả năng tự phục hồi lại sau tổn thương (thời gian hồi phục da thường rất chậm).
Lầm tưởng về da khô bị mụn – bạn đã sai ở đâu?
Tắc nghẽn lỗ chân lông: thủ phạm của mụn trên da khô

Dầu thừa chỉ là một yếu tố, ở da khô, quá trình bong tróc tự nhiên của tế bào sừng diễn ra rất chậm và thậm chí bị rối loạn luôn. Các tế bào chết bị tích tụ lại trên bề mặt, tạo thành các nút sừng (keratin plug) gây tắc cổ nang lông. Hậu quả thường thấy ở da khô chính là tình trạng mụn ẩn, mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
Viêm nhiễm âm ỉ kéo dài
Do thiếu đi lớp lipid kết nối ở lớp sừng, nên da khô dễ mất nước hơn. Da càng mất nước càng kích hoạt các phản ứng viêm, không ồ ạt, nhưng nhẹ nhàng âm ỉ, khiến da càng yếu dần. Viêm nền kéo dài làm các cổ nang lông bị co lại, tăng tình trạng bít tắc. Viêm ngày càng nhiều sẽ làm da khô xuất hiện các nốt mụn viêm, sẩn viêm khó điều trị.
Hàng rào bảo vệ da suy yếu tạo “khe hở” cho vi khuẩn

Ngoài bảo vệ da khỏi tổn thương, chức năng hàng rào bảo vệ da chính là ngăn chặn sự mất nước từ bên trong cơ thể. Tuy nhiên, với da khô thì chỉ số TEWL (mất nước qua da) rất cao, dẫn đến da bị khô căng, bong tróc, tăng tính thấm của vi khuẩn đi vào trong da. Lúc này da luôn ở trong tình trạng bị tấn công từ bên ngoài, yếu dần, dễ viêm và dễ bị mụn trứng cá hơn nữa.
Da khô làm tuyến dầu phải “bù lại”
Không ai nghĩ đến có ngày tuyến dầu lại phải tăng hoạt động quá mức, nhất là với các bạn có da khô. Thời gian đầu, khi da mất nước và khô đi, các tín hiệu sẽ được gửi đi cho các thụ thể cảm biến tuyến bã nhờn.Đặc điểm dầu thừa của da khô là thường cứng và đặc, nên càng dễ bít tắc hơn nữa.
Hậu quả, lượng dầu tăng đột biến, nhưng tế bào chết ở da khô bong ra rất chậm, từ đó tạo thành môi trường thiếu oxy cho vi khuẩn C.Acnes phát triển và gây mụn.
Cách chăm sóc da khô bị mụn giúp thay đổi làn da bạn!
Làm sạch dịu nhẹ 2 lần/ngày

Mụn là do bít tắc thế nên làm sạch là cần thiết, nhưng không phải bạn ồ ạt vỗ hàng loạt sữa rửa mặt tạo bọt, tạo ma sát kéo dài cho da với các hạt scrub thô bạo. Mà chúng ta sẽ hướng đến làm sạch dịu nhẹ, đủ để làm thông thoáng lỗ chân lông, nhưng không khiến da trở nên khô hay mất độ ẩm thêm.
Nếu sữa rửa mặt có độ pH cao và chứa nhiều sulphate thì bạn hãy chuyển sang sữa rửa mặt không xà phòng, gốc làm sạch nhẹ. Đi kèm trong sữa rửa mặt chính là các thành phần cấp ẩm và làm dịu da như: Glycerin, Hyaluronic Acid, Niacinamide, Panthenol,…
Với da khô nên chú ý chọn sản phẩm làm sạch có kết cấu dạng sữa, dạng kem, dạng gel mỏng nhẹ và hạn chế tạo bọt quá nhiều. Mỗi ngày bạn chỉ cần làm sạch da 2 lần, một lần vào buổi sáng, một lần vào buổi tối. Nếu da tiếp xúc bụi bẩn nhiều bạn có thể cân nhắc dùng tẩy trang dịu nhẹ để làm sạch lại, thay vì dùng thêm một bước sữa rửa mặt giữa ngày nữa nhé.
Trị mụn “thông minh” đa cơ chế

Việc trị mụn của da khô là không phải hướng đến kiềm dầu và hay làm ráo bề mặt da. Mà cần kết hợp song song giữa trị mụn và bổ sung độ ẩm cần thiết. Da khô bị thiếu hụt ở các chất hút ẩm tự nhiên ở lớp sừng, nên bạn có thể chọn các thành phần như Urea giúp làm mềm da rất tốt, Lactic Acid vừa tẩy tế bào chết vừa tăng cường độ ẩm cho da.
Song song với đó, chọn các loại gel hay chấm mụn có chứa hoạt chất chính: Azelaic Acid, Mandelic Acid, Retinoids hay Benzoyl Peroxide.
Có một điều vô cùng quan trọng, không phải da khô là bạn sẽ chọn kem dưỡng dày để cấp ẩm. Chúng ta vẫn nên ưu tiên kết cấu vừa mỏng nhẹ, thấm nhanh và không gây bít tắc lỗ chân lông đó nhe.
Phục hồi hàng rào bảo vệ da là chìa khóa vàng

Để thực sự giải quyết vấn đề da khô bị mụn từ gốc rễ, chúng ta cần chăm sóc lại hàng rào bảo vệ đúng cách. Thế nhưng, phục hồi lớp màng bảo vệ này cần có thời gian đó, không thể thấy ngay lập tức sau vài ngày được. Trong quá trình này ngoài các chất phục hồi và làm dịu, điều quan trọng không kém là tránh những chất dễ gây kích ứng làm tổn thương da thêm.
Khi hàng rào bảo vệ da đã khỏe mạnh rồi, da sẽ ít bị kích ứng hơn, từ đó cũng tăng hiệu quả các hoạt chất trị mụn và giảm các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, trị mụn vẫn cần song song với nuôi dưỡng da.
Da khô bị mụn không còn là nỗi lo nếu bạn hiểu rõ về nguyên nhân và có cách chăm sóc da đúng cách. Đừng để những lầm tưởng hay quan niệm cũ kỹ khiến làn da ngày càng yếu hơn. Thay vào đó, hãy bắt đầu hành trình chăm sóc da khoa học cùng Beaudy.vn, nơi mọi lầm tưởng và niềm tin sai lầm sẽ được gỡ bỏ dần dần nhé!
Mình thật sự muốn biết cảm nhận của các bạn về bài viết này, các bạn có thể cho mình biết được không?