Dù bạn đã chăm chỉ dùng kem chống nắng mỗi ngày hay thường xuyên bổ sung viên uống chống nắng, nhưng hiệu quả bảo vệ da vẫn chỉ khoảng 90%. Vậy làm thế nào để bảo vệ da toàn diện nhất? Bí quyết chính là kết hợp thêm phương pháp chống nắng cơ học với những phụ kiện cần thiết như: áo chống nắng, khẩu trang vải, ô dù che chắn tia UV. Mời bạn cùng Beaudy.vn tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp chống nắng cơ học là gì? Và cách lựa chọn và kết hợp các biện pháp chống nắng cơ học đúng cách như thế nào nhé.
Chống nắng cơ học là gì?
Có 3 phương pháp chống nắng phổ biến nhất hiện nay: chống nắng hóa học với kem chống nắng, bổ sung viên uống chống nắng và kết hợp với chống nắng cơ học. Sự kết hợp của bộ 3 chống nắng sẽ giúp bảo vệ da toàn diện nhất trước tia UVA/UVB gay gắt như hiện nay. Nhưng vẫn có nhiều cô nàng chưa hoàn toàn “tin tưởng” vào khả năng bảo vệ của các vật dụng như: áo chống nắng, kính râm, ô dù và khẩu trang. Dẫn đến da vẫn đen sạm khi đã chăm chỉ áp dụng 2 phương pháp còn lại.
Thực tế chống nắng cơ học chính là sử dụng ngay các loại vật liệu, phụ kiện che chắn vật lý thay cho các sản phẩm hóa học. Những phụ kiện này phải lựa chọn đúng cách, đúng chất liệu và cả màu sắc mới có hiệu quả bảo vệ tốt nhất, chứ chẳng hề đơn giản như nhiều cô nàng vẫn nghĩ đâu nhé. Làn da không thể liên tục chịu “quá tải” bởi các loại mỹ phẩm cùng một lúc, đặc biệt cảm giác dày dính khó chịu nếu bôi kem chống nắng quá nhiều. Do đó, nếu bạn có thêm một giải pháp chống nắng cơ học thì sẽ càng tốt hơn cho sức khỏe làn da.
Các phương pháp chống nắng cơ học
Khẩu trang vải
Có nhiều cô nàng thường lầm tưởng việc đeo khẩu trang y tế sẽ tốt hơn. Tuy nhiên khẩu trang y tế được thiết kế để ngăn bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chứ không có hiệu quả chống nắng trong đấy. Do đó, lựa chọn khẩu trang vải được cho là hợp lý hơn. Đặc biệt khẩu trang vải có thể giặt đi giặt lại nhiều lần, rất tiết kiệm và hợp vệ sinh.
Chất liệu của khẩu trang vải nên có chứa cotton hoặc Spandex (còn gọi là Lycra hoặc Elastane, là một loại vải tổng hợp). Cần đảm bảo tính thoáng khí tốt để không bị hầm bí bách gây mụn. Ngoài ra khẩu trang ôm sát mặt, che kín cả mũi và miệng để giảm tối đa các tia UV có cơ hội tiếp xúc trực tiếp.
Quần áo chống nắng
Đây là phụ kiện và cơ bản nhất hầu như mọi chị em đều phải có, đặc biệt sống ở các thành phố lớn và thường xuyên ra ngoài. Thiết kế của quần áo chống nắng so với trang phục thông thường là nhờ chất liệu vải có khả năng chống tia UV, thoáng mát và thấm hút mồ hôi phải tốt. Trong đó, chỉ số quan trọng nhất là UPF (Ultraviolet Protection Factor) càng cao khả năng bảo vệ càng tốt, tối thiểu phải có UPF trên 50+.
Bạn có thể dùng các loại chất liệu như Polyester, Nylon hoặc Cotton sẽ có chỉ số UPF cao hơn. Sợi Polyester chống nước tốt nhưng dễ gây bí bách vào mùa hè và tạo cảm giác nóng. Còn Nylon tốt hơn Polyester một ít, giảm các khuyết điểm nhưng lại rất dễ nhăn. Và Cotton làm bằng sợi bông tự nhiên thấm mồ hôi tốt, mát vào mùa hè, tuy nhiên độ bền lại kém.
Vào mùa hè nếu mặc các loại áo có màu sáng như màu trắng sẽ cho hiệu quả phản xạ tán nhiệt tốt nhưng hiệu quả chống nắng kém. Còn các màu sắc tối như màu đen chống nắng tốt nhờ hấp thụ các tia UV nhưng lại bị nóng.
Ô dù khi đi ra nắng
Đây cũng là phụ kiện quan trọng trong phương pháp chống nắng cơ học. Tán ô rộng giúp che chắn toàn cơ thể, bảo vệ da được tốt nhất. Bạn nên chọn các loại vải đủ dày, có lớp phủ chống tia UV với UPF+ tối thiểu 30. Màu sắc nên chọn các loại như đen, xanh navy sẽ bảo vệ da tốt hơn so với màu sáng. Ngoài ra lớp lót ở dưới ô dù nên có màu bạc hoặc đen để tăng khả năng chống lại tia UVA/UVB.
Kính râm
Kính râm giúp bảo vệ mắt trước tác động của tia UV, giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh mắt khác do ánh nắng gây ra. Khi chọn kính râm nên để ý trên bao bì sản phẩm, ưu tiên các loại có khả năng chống tia UV 100% hoặc UV400. Lớp phủ bên ngoài tròng kính nên là loại chống chói (Polarized) để giảm gây hại cho mắt. Trong quá trình dùng kính nên tránh để bị trầy xước vì sẽ làm giảm khả năng bảo vệ.
Ưu và nhược điểm của chống nắng cơ học
Ưu điểm
- Chống nắng cơ học vẫn có hiệu quả giảm tác động của ánh nắng mặt trời chiếu đến da, giảm lượng sắc tố melanin hình thành. Bạn có thể thấy thực tế rằng có nhiều loại áo chống nắng được cam kết có khả năng chống nắng lên đến 99%, do đó đây vẫn là lựa chọn đáng để cân nhắc.
- Bên cạnh đó, các loại ô dù, kính râm và áo chống nắng hoàn toàn có thể tái sử dụng liên tục qua nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm. Với môi trường là rất thân thiện, giảm lượng rác thải, giảm hóa chất và giảm gánh nặng cho khâu xử lý rác thải.
- Hầu như các phụ kiện trong phương pháp chống nắng cơ học sẽ rất ít hoặc thậm chí là không gây kích ứng với mọi làn da, đặc biệt da nhạy cảm. Nhưng nếu bạn dùng kem chống nắng thì rất cần tìm hiểu kiến thức về thành phần, kết cấu và công nghệ áp dụng để biết cách bôi an toàn và hiệu quả nhất.
Nhược điểm
- Không có phương pháp nào có thể chống nắng toàn diện cả, và chống nắng cơ học cũng thế. Chống nắng bằng các loại phụ kiện sẽ hỗ trợ giảm cường độ ánh nắng chiếu trực tiếp đến da, nhưng sẽ không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp khác như bôi kem chống nắng và uống viên uống chống nắng.
- Việc lựa chọn các loại phụ kiện chống nắng cũng rất quan trọng, vì không phải các sản phẩm đều có khả năng bảo vệ tốt như nhau. Màu sắc và chất liệu khác nhau cũng sẽ cho kết quả khác nhau. Và có ảnh hưởng bởi gu thẩm mỹ và tính thời trang của từng cá nhân.
Trên đây là giải pháp chống nắng cơ học với các phụ kiện cơ bản nhất như: áo chống nắng, khẩu trang vải, ô dù và kính râm. Tuy vậy các bạn phải kết hợp nhiều phương pháp chống nắng cùng nhau, vừa sử dụng phụ kiện chống nắng vừa chăm chỉ bôi kem chống nắng, uống viên chống nắng như thế mới bảo vệ da tốt nhất. Nhưng cả khi kết hợp 3 phương pháp trên, vẫn không nên đi nắng quá lâu và hạn chế ánh nắng gay gắt từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều mỗi ngày nhé.
Beaudy.vn chân thành cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong các chủ đề làm đẹp sắp tới.
1 phản hồi
Mình mong muốn nhận được sự đóng góp của các bạn về bài viết này, hãy để lại ý kiến của bạn nhé.