Bạn đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì đã làm đủ các bước: rửa mặt – toner – tẩy tế bào chết – serum và kem dưỡng. Mà mụn vẫn nổi đều đều, làm cái gì cũng không thấy hiệu quả nữa. Hơn cả một lời giải thích, hãy cùng Beaudy.vn vén màn 5 sự thật về mụn dai dẳng không khỏi và hướng khắc phục hiệu quả mà vô cùng nhẹ nhàng ai cũng làm được luôn nhé.
- Vén màn 5 sự thật khiến da bị mụn dai dẳng
- Da mụn không đến từ “không sạch” hay “thiếu bước”
- Dùng skincare đúng nhưng sai tầng tác động
- Da bị “ngợp” do mất đi hàng rào bảo vệ
- Không biết nên phục hồi hay chống viêm
- Phản ứng lại với chính những thứ tốt vì da đã mệt rồi
- Hướng giải quyết khi mụn dai dẳng: đúng – nhẹ và bền vững
- Khi mụn là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn!
Vén màn 5 sự thật khiến da bị mụn dai dẳng
Da mụn không đến từ “không sạch” hay “thiếu bước”

Có 4 yếu tố kinh điển để dẫn đến mụn: dầu thừa sản xuất quá mức, tế bào sừng không bong đều đặn, vi khuẩn C.Acnes sinh sôi trong môi trường yếm khí, viêm nền kích hoạt nhẹ nhàng. Chỉ cần xoay quanh 4 yếu tố này đã khiến cho mụn dai dẳng không khỏi. Chưa kể đến mụn còn chịu tác động từ lối sống, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và cơ địa của từng người ra sao nữa.
Hiện nay, các nhà khoa học về da còn thấy mụn xuất phát từ những rối loạn hệ vi sinh vật trên hàng rào bảo vệ da. Mất đi các chủng lợi khuẩn, thay vào các vi khuẩn có hại,… Mà rối loạn hệ vi sinh vật thường đến từ việc chăm sóc da “quá đà”, như rửa sạch kin kít, treatment với Retinoids/BHA, AHA,…
Dùng skincare đúng nhưng sai tầng tác động
Rất nhiều bạn chăm sóc da rất kỹ, 7749 bước, nhưng thật ra chỉ nằm ở bề mặt da, nhưng mụn dai dẳng thường xuất phát từ cổ nang lông sâu bên trong da. Nếu mụn do viêm sâu nhưng chỉ dùng sản phẩm làm sạch bề mặt thì không thể hết mụn. Mụn do hàng rào bảo vệ da yếu, nhưng lại lạm dụng Retinoids, AHA, BHA. Mụn do mất cân bằng hệ vi sinh vật nhưng lại dùng BPO diệt khuẩn.
Tóm lại, việc hiểu và nhận biết được mụn do nguyên nhân nào là rất quan trọng, từ đó giúp chúng ta lựa chọn cách điều trị mụn hợp lý hơn.
Da bị “ngợp” do mất đi hàng rào bảo vệ
Da của chúng ta gồm các tế bào sừng (Corneocytes) liên kết với Lipid kép (bao gồm Ceramide, Cholesterol và Axit béo tự do). Bình thường các tế bào xếp khít lại với nhau, tạo thành bức tường ngăn cho vi khuẩn từ bên ngoài tấn công vào da, nên da sẽ ít nguy cơ nổi mụn. Nhưng nếu sử dụng sản phẩm độ pH cao, tẩy tế bào chết quá mức, lạm dụng Retinoids/AHA/BHA,… dẫn đến hàng rào bảo vệ này bị tổn thương.
Hậu quả là làm tăng mất nước qua da, tăng tính thấm cho các vi khuẩn, dễ kích hoạt phản ứng viêm, rối loạn hệ vi sinh vật, giảm khả năng đáp ứng với treatment.
Không biết nên phục hồi hay chống viêm

Có một sự kết nối quan trọng giữa viêm và tổn thương hàng rào bảo vệ da, bạn có thể nghĩ nó giống như 2 mặt của đồng xu vậy đấy. Viêm có thể gây tổn thương hàng rào bảo vệ da, ngược lại, tổn thương hàng rào bảo vệ da lại thúc đẩy phản ứng viêm. Cứ như một vòng lặp không có lối thoát. Vậy khi nào nên chống viêm, khi nào nên phục hồi.
Bạn nên ưu tiên chống viêm khi da: mụn viêm đỏ nhiều, sưng tấy, đau rát, không có biểu hiện tổn thương nghiêm trọng của hàng rào bảo vệ da (da không quá khô, không quá bong tróc, không châm chích khi dùng sản phẩm). Chọn các thành phần kháng viêm: Niacinamide, Azelaic Acid, chiết xuất trà xanh, chiết xuất cam thảo, Retinoids,…
Bạn nên ưu tiên phục hồi khi: da có dấu hiệu tổn thương hàng rào bảo vệ da (khô căng, bong tróc, đỏ rát, cảm giác da mỏng manh). Khi da có mụn ẩn, mụn đầu đen, mụn viêm nhỏ lẻ, không quá sưng tấy. Da đã từng sử dụng quá nhiều hoạt chất mạnh để điều trị mụn. Các thành phần phục hồi da như: Ceramide, Cholesterol, Axit béo, Panthenol, HA,…
Phản ứng lại với chính những thứ tốt vì da đã mệt rồi
Đây là một sự thật đau lòng nhất, khi làn da, sau một thời gian dài chiến đấu với mụn và tiếp xúc với hàng loạt hoạt chất điều trị khác nhau. Dẫn đến da càng ngày càng không khỏe, thậm chí phản ứng ngược với những thứ từng tốt với nó. Bạn có thể gặp các hiện tượng khi da bị điều trị quá mức như là: tổn thương tích lũy hàng rào bảo vệ da, mất cân bằng pH và Microbiome, tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời,…
Thêm vào các tình trạng kháng trị do vi khuẩn kháng kháng sinh, hệ thống miễn dịch làm việc quá tải và trở nên ù lì hơn. Đây là lúc bạn nên tạm ngưng các treatment mạnh, tập trung hoàn toàn phục hồi hàng rào bảo vệ da, giảm thiểu số lượng sản phẩm, điều chỉnh lối sống,…
Hướng giải quyết khi mụn dai dẳng: đúng – nhẹ và bền vững

Giảm tắc nghẽn cổ nang lông
Yếu tố quan trọng dẫn đến mụn là do dầu thừa, tế bào chết bị tắc nghẽn sâu bên trong cổ nang lông. Chúng tạo thành các nút chặn khiến cho môi trường bị thiếu oxy, các vi khuẩn C.Acnes lại rất thích điều này. Dẫn đến da càng dễ bị mụn hơn. Một gợi ý phổ biến thường được khuyên cho các bạn da dầu mụn, chính là dùng BHA có nồng độ 0.5% đến 1% để làm sạch sâu cổ nang lông.
Hoặc có thể dùng AHA, dạng Mandelic Acid nhẹ nhàng để làm bạt sừng. Một lưu ý quan trọng là dùng với tần suất thấp, không để da bị phản ứng viêm âm ỉ kéo dài.
Ổn định bã nhờn và vi sinh vật
Về lâu dài, chúng ta cần tìm cách để ổn định lại tuyến bã nhờn, chứ không đơn thuần là tẩy tế bào chết hay làm sạch mãi được. Thế nên, các hoạt chất như Niacinamide (2% đến 5% là lý tưởng để bắt đầu sử dụng), Azelaic Acid (khoảng 10% không gây viêm). Cố gắng chọn sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, chăm sóc độ pH của da ổn định từ 4.5 đến 6. thôi nhé.
Tập trung phục hồi trước khi treatment
Rất nhiều bạn thích treatment với Retinol, Tretinoin, Adapalene,… vì mong muốn da phải hết mụn ngay lập tức. Nhưng trên thực tế, nếu da không đủ khỏe thì càng treatment da càng không đẹp lên được. Các treatment có thể dẫn đến da khô hơn, dễ bong tróc, hàng rào bảo vệ da tổn thương, rối loạn hệ vi sinh. Kết quả là da vẫn mụn dai dẳng.
Bạn nên tập trung vào củng cố hàng rào bảo vệ da nhưng thông minh và đúng trọng tâm hơn. Không tập trung thành phần hot trend mà quay về với những điều cơ bản nhất. Đặc biệt là Ceramide, Fatty Acids (acid béo), Squalane,…. Kèm theo không tàn phá hàng rào bảo vệ da thêm nữa nhé.
Khi mụn là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn!

Đôi khi mụn không chỉ đơn thuần là xoay quanh việc bít tắc lỗ chân lông, mà có thể đang là dấu hiệu cảnh bảo một vài yếu tố liên quan sức khỏe. Hãy kiểm tra xem bạn có đang nằm trong các nguy cơ sau đây không, nếu có hãy nên thăm khám và điều trị mụn chuyên sâu bởi các bác sĩ da liễu có uy tín nhé:
- Rối loạn nội tiết: do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), rối loạn tuyến giáp, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,…
- Vấn đề về đường tiêu hóa: đường ruột không khỏe, táo bón,…
- Tác dụng của thuốc: kháng sinh, isotretinoin, thuốc chống trầm cảm,…
- Mụn do ký sinh trùng Demodex
Có 1 sự thật là không ai (kể cả bác sĩ) dám khẳng định sẽ trị mụn dứt điểm 100% được, vì mụn là bệnh lý mãn tính và dễ tái phát. Thế nên, khi bị mụn chúng ta không phải hoang mang, mà thay đó tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra mụn, tìm cách giải quyết và phòng ngừa mụn tái phát sao cho phù hợp bạn nhé.
Mình hy vọng bài viết này có thể truyền cảm hứng cho các bạn, và mình rất mong nhận được sự phản hồi của các bạn về nó.