Hiện nay có nhiều phương pháp trị mụn trứng cá, nhưng chúng đều xoay quanh 4 cơ chế chính, đó là: tẩy tế bào chết, giảm tiết dầu, ức chế vi khuẩn gây mụn và kháng viêm. Vì vậy, bí quyết trị mụn thành công chính là chọn đúng hoạt chất cho từng giai đoạn của mụn. Hãy cùng Beaudy.vn giải mỡ cơ chế trị mụn trứng cá với cơ chế sinh bệnh học rõ ràng nhất, để có được làn da khỏe đẹp ngay hôm nay nhé!
- Mụn là gì? Vòng đời của mụn diễn ra như thế nào?
- Nguyên nhân gây mụn trứng cá phổ biến nhất
- Phương pháp điều trị mụn trứng cá theo cơ chế bệnh sinh
- Cơ chế 1: tẩy tế bào chết cho da thông thoáng
- Cơ chế 2: giảm tiết dầu thừa, và cân bằng lượng dầu cần thiết
- Cơ chế 3: ức chế sự phát triển của vi khuẩn mụn
- Cơ chế 4: làm dịu các phản ứng viêm mụn đang diễn ra
- Những lưu ý quan trọng khi điều trị mụn trứng cá
Mụn là gì? Vòng đời của mụn diễn ra như thế nào?
Mụn trứng cá là một bệnh lý da liễu phổ biến, hầu như ít nhất 1 lần trong đời chúng ta đều phải đối mặt với nguy cơ bị mụn. Từ những nhóm mụn không viêm (mụn đầu đen, mụn đầu trắng), cho đến nhóm mụn viêm (mụn sẩn, mụn mủ, mụn bọc và mụn nang). Nhìn chung, khi bị mụn là dấu hiệu cho thấy hàng rào bảo vệ da đang không khỏe, và nếu điều trị mụn không tốt sẽ ảnh hưởng lớn về tâm lý, do hậu quả để lại là thâm và sẹo mụn.
Một vòng đời của mụn về cơ bản sẽ được tóm tắt thông qua 5 giai đoạn chính.
- Giai đoạn 1: bên dưới lỗ chân lông có các tuyến bã nhờn sản xuất quá mức, gây tăng tiết dầu thừa.
- Giai đoạn 2: các tế bào chết không được làm sạch khiến dầu đọng lại bên dưới lỗ chân lông ngày càng nhiều, gây ra hiện tượng tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Giai đoạn 3: lúc này các nhân mụn chủ yếu là mụn đầu đen, mụn đầu trắng nhưng khi có sự tấn công của vi khuẩn gây mụn C.Acnes (chúng tiêu thụ lượng dầu và sinh sôi nhanh chóng), phát triển nên mụn viêm.
- Giai đoạn 4: phản ứng miễn dịch từ các đại thực bào, peptide kháng khuẩn, cytokin được huy động để ức chế quá trình viêm xảy ra.
- Giai đoạn 5: kết thúc vòng đời của mụn là vết thương bắt đầu lành, nhưng phản ứng viêm vẫn còn gây ra tăng sắc tố sau viêm,
Nguyên nhân gây mụn trứng cá phổ biến nhất
Qua rất nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố gây ra mụn trứng cá vô cùng phức tạp và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Một vài nguyên nhân chủ yếu gây ra mụn trứng cá thường gặp nhất, bao gồm:
- Tăng sản xuất dầu thừa: nguyên nhân đến từ rối loạn hormone, đặc biệt trong độ tuổi dậy thì hormone androgen tăng hoạt động gây tăng tiết bã nhờn. Hoặc tăng sản xuất dầu thừa khi da có xu hướng mất nước, da khô. Hoặc dầu thừa cũng có thể đến từ việc sử dụng các loại mỹ phẩm gây bít tắc lỗ chân lông như (dầu khoáng, sáp ong),…
- Sừng hóa bất thường của cổ nang lông: là do các tế bào chết lâu ngày không được loại bỏ, kèm theo đó là quá trình đào thải tự nhiên của da không tốt, khiến các mảng da dày này không ra ngoài được.
- Yếu tố của vi khuẩn gây mụn C.Acnes (Cutibacterium Acnes): chúng là những loại vi khuẩn thường trú trên bề mặt da, C.Acnes tuýp 2 là vi khuẩn gây mụn phổ biến nhất. Nếu da có hiện tượng bít tắc lỗ chân lông, dầu thừa quá nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn C.Acnes này phát triển.
- Ngoài ra, mụn trứng cá còn có nhiều nguyên nhân khác đi kèm mà khó kiểm soát hơn như: tình trạng căng thẳng và stress kéo dài, thói quen vệ sinh da mặt không đúng cách, bụi bẩn tích tụ từ chăn gối nằm, dùng mỹ phẩm chăm sóc da không phù hợp,…
Phương pháp điều trị mụn trứng cá theo cơ chế bệnh sinh
Cơ chế 1: tẩy tế bào chết cho da thông thoáng
Ở người bị mụn trứng cá, quá trình sừng hóa cổ nang lông diễn ra bất thường (Hyperkeratinization). Thay vì các tế bào chết bong ra để cho làn da mịn màng, lỗ chân lông thông thoáng. Thì hoàn ngược lại, các tế bào chết này kết hợp cùng với dầu thừa, tạo ra các nút chặn làm cho tình trạng tắc nghẽn càng diễn ra trầm trọng. Nếu chỉ có tế bào chết và dầu thừa sẽ tạo ra các nhân mụn gọi là Comedones, biểu hiện là mụn đầu đen hay mụn đầu trắng.
Giai đoạn này cần tác động vào quá trình sừng hóa để diễn ra bình thường, hay gọi là tẩy tế bào chết. Bạn có thể dùng Retinoids, AHA, BHA (ưu tiên hơn khi da mụn trứng cá), lưu huỳnh,… Không nên tẩy tế bào chết vật lý trong giai đoạn đang có mụn sưng viêm.
Cơ chế 2: giảm tiết dầu thừa, và cân bằng lượng dầu cần thiết
Bước đầu tiên gây ra mụn đến từ việc da có nhiều dầu thừa, chính vì lớp dầu thừa này mà da luôn bóng nhờn, dễ bít tắc và càng gây khó chịu. Trong cấu tạo của bã nhờn có thành phần gọi là Squalene, khi chúng bị oxy hóa bởi ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng phản ứng viêm tự nhiên, tăng hoạt động của quá trình sừng hóa và dễ gây ra mụn.
Do đó, để kiểm soát dầu hiệu quả có thể ưu tiên nhóm các thành phần: Retinoids, Niacinamide, BHA, Zinc (kẽm), chiết xuất cây phỉ, chiết xuất khuynh diệp, chiết xuất trà xanh, chiết xuất rau má,… Cân bằng dầu thừa còn đến từ việc cung cấp đủ độ ẩm cần thiết cho da.
Cơ chế 3: ức chế sự phát triển của vi khuẩn mụn
Đồng thời với các nhân mụn viêm sẽ có sự tham gia của vi khuẩn C.Acnes, chúng sẽ ly giải các triglycerides thành axit béo tự do, kích hoạt các phản ứng viêm mạnh mẽ. Ngoài ra, C.Acnes còn tiết ra vô số enzyme (lipase, protase, hyaluronidase) phá vỡ các lớp tế bào biểu bì da xung quanh càng làm hàng rào bảo vệ da yếu đi, mụn lâu khỏi.
Chính vì thế, cần kết hợp các hoạt chất để ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn kịp thời: Benzoyl Peroxide (BPO), Retinoids, Niacinamide, Resveratrol, BHA, Azelaic Axit, Zinc, Lưu Huỳnh (Sulfur), chiết xuất tràm trà, chiết xuất trà xanh,…
Cơ chế 4: làm dịu các phản ứng viêm mụn đang diễn ra
Kết quả của mụn sẽ kéo các phản ứng viêm diễn ra, đó có thể là cấp tính và kéo dài thành mạn tính. Do đó, cần chấm dứt vòng lặp của các phản ứng viêm càng sớm càng tốt. Vì quá trình viêm sẽ làm đứt gãy các collagen và elastin, hậu quả là để lại sẹo mụn. Ngoài ra, viêm sẽ tăng các gốc tự do dẫn đến da luôn ửng đỏ, mỏng yếu và tổn thương hàng rào bảo vệ da đáng kể.
Các hoạt chất thường được khuyến khích để kháng viêm: Retinoids, Niacinamide, Ceramide, Axit Azelaic, Zinc (kẽm), các chất chống oxy hóa (Resveratrol, chiết xuất rau má, chiết xuất rễ cam thảo, chiết xuất trà xanh),…
Những lưu ý quan trọng khi điều trị mụn trứng cá
Đôi khi cần kết hợp thêm những phương pháp chuyên sâu
Nếu tình trạng mụn trứng cá nặng và kéo dài cần phải được thăm khám, đánh giá bởi các bác sĩ da liễu. Có thể kết hợp cùng các phương pháp mạnh hơn như: uống Isotretinoin, Laser, ánh sáng liệu pháp, tiêm Corticosteroids,….
Thay đổi lối sống khỏe mạnh từ bên trong là điều cần thiết
Mụn chịu ảnh hưởng của các biến số khác nhau, thế nên ngoài 4 cơ chế chính thì bạn cần xây dựng một hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh từ bên trong. Điều đó có thể thực hiện bằng những phương pháp đơn giản như: ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập thể dục, uống nhiều nước, tránh stress và căng thẳng.
Trị mụn thành công luôn đòi hỏi cần kiên trì
Mụn có thể kéo dài 6 tuần, hoặc thậm chí vài tháng. Do các vi khuẩn mụn và nhân mụn vẫn còn tồn đọng sau quá trình điều trị, gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ tiếp tục phát triển. Do đó, điều trị mụn và chăm sóc da sau điều trị mụn rất quan trọng. Đây là một quá trình dài đòi hỏi các bạn phải luôn tuân thủ và thực hiện đều đặn.
Cho đến hiện nay, trị mụn trứng cá vẫn được khuyến khích với 4 cơ chế quan trọng nhất, bởi đây là gốc rễ của mụn. Nên bắt đầu từ việc hiểu rõ các loại mụn trên mặt, cho đến nắm vững các cơ chế trong quá trình điều trị – bởi những kiến thức này là nền tảng giúp các cô nàng “chấm dứt” mụn thành công. Beaudy.vn hi vọng với những chia sẻ trong chủ đề trị mụn trứng cá theo cơ chế bệnh sinh trong bài viết hôm nay, sẽ giúp các cô nàng trị mụn hiệu quả nhé. Beaudy.vn chân thành cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong các chủ đề sắp tới.
1 phản hồi
Các bạn có suy nghĩ gì về bài viết này? Hãy bình luận ngay để chúng ta cùng thảo luận nhé!