Glycolic Axit và Salicylic Axit là những cái tên quen thuộc khi nhắc đến thành phần tẩy tế bào chết. Tuy nhiên, với làn da nhạy cảm, những hoạt chất mạnh mẽ này thường mang đến nhiều rủi ro hơn. Làn da nhạy cảm cần gì? Những thành phần dịu nhẹ, an toàn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả làm sạch và tái tạo da. Đừng bỏ lỡ TOP 5 thành phần tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm hiệu quả nhất sẽ được Beaudy.vn bật mí ngay trong bài viết hôm nay nhé!
Hiểu về làn da nhạy cảm và những thách thức khi tẩy tế bào chết
Không có làn da nhạy cảm mà chỉ có tình trạng da nhạy cảm. Hầu hết chúng ta đều phân loại làn da có 5 tuýp, bao gồm cả tuýp da nhạy cảm. Thế nhưng, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy bất kỳ làn da nào cũng đều có thể bị nhạy cảm hết, do đó da nhạy cảm hiện nay được gọi là tình trạng da nhạy cảm. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa về mặt bản chất vẫn không thay đổi đâu nè. Bởi tình trạng da nhạy cảm dùng để chỉ hàng rào bảo vệ da (Skin Barrier) yếu hơn các loại da khác, lớp sừng mỏng khiến da dễ bi kích ứng bởi những điều kiện từ bên ngoài.
Chính vì thế, việc tẩy tế bào chết ở những làn da nhạy cảm có thể sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng:
- Rủi ro kích ứng cao hơn nếu dùng các hoạt chất mạnh mẽ như Glycolic Axit, Salicylic Axit,…
- Suy yếu hàng rào bảo vệ da nếu bạn không cấp ẩm và chăm sóc da thật tốt sau khi tẩy tế bào chết.
- Ngưỡng kích ứng không đoán định được, dù là thành phần có dịu nhẹ hay lành tính đi chăng nữa, nhưng không có gì có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối ở những tình trạng nhạy cảm hết nhé.
Tổng hợp 5 thành phần tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm an toàn
Urea
Urea là một chất dưỡng ẩm tự nhiên có sẵn trong da (yếu tố NMF, Natural Moisturizing Factor), do đó tính tương thích tự nhiên sẽ cao hơn. Ở nồng độ từ 10%, Urea có thể làm phá vỡ protein giữa các lớp sừng, làm mềm các tế bào này và loại bỏ chúng ra khỏi bởi mặt một cách nhẹ nhàng. Đồng thời Urea giúp đưa nước vào trong da để cải thiện độ ẩm, độ đàn hồi và tốc độ thay mới của tế bào.
Urea ngoài dùng cho da mặt, còn thích hợp dùng ở những vị trí thô ráp của cơ thể như gót chân, khuỷu tay, da Eczema hay vẩy nến. Điểm mạnh của Urea là dịu nhẹ, không gây viêm, tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm tốt cho da. Nhưng không thích hợp nếu bạn đang có mụn sưng viêm.
NAG: N-Acetyl Glucosamine
NAG thường được biết đến là hoạt chất làm sáng da nhiều hơn, ít ai nghĩ rằng đây cũng là thành phần tẩy tế bào chết. NAG có các dẫn xuất Glucose kích hoạt enzyme nội sinh trong biểu bì mà không cần phải tác động lực cơ học. Ngoài quá trình thay mới biểu bì cho làn da, NAG còn là tiền chất của Axit Hyaluronic, được biết đến với khả năng giữ nước và giúp da căng mọng đàn hồi.
NAG có nhiều công dụng đặc biệt khác, không chỉ tẩy tế bào chết mà còn làm sáng da, dưỡng ẩm và chống lão hóa. NAG thân thiện với hầu hết mọi loại da. Nhưng NAG khi dùng một mình thì hiệu quả không quá mạnh mẽ, cần kết hợp các hoạt chất khác kèm theo.
Azelaic Axit
Nếu bạn đang gặp tình trạng mụn trứng cá mà không thể dùng các hoạt chất điều trị mụn mạnh mẽ khác, hãy ghé qua Azelaic Axit. Thế nhưng đừng hiểu lầm Azelaic Axit không hiệu quả nha, thật tế đây là một axit hữu cơ tự nhiên rất tốt cho làn da. Azelaic Axit hỗ trợ kích thích quá trình đổi mới tế bào một cách dịu nhẹ, không khiến da bị bong tróc hàng loạt như các treatment khác.
Thêm vào đó, Azelaic Axit còn giúp kháng viêm, từ đó giảm bớt các triệu chứng sưng, đỏ rát và châm chích (rất thường gặp khi tẩy tế bào chết). Đồng thời Azelaic Axit còn là thành phần kháng khuẩn giúp kiểm soát mụn, có thể dùng cho tình trạng mụn trứng cá đỏ (Rosacea). Một ưu điểm của Azelaic Axit đó là ức chế enzyme tyrosinase hỗ trợ quá trình làm sáng da.
Axit Lactic
Bạn không thể dùng Glycolic Axit, nhưng có thể xem xét đến Lactic Axit và chắc chắn bạn sẽ bất ngờ về thành phần này nhé. Đây là một nhóm họ hàng của AHA, nhưng rất dịu nhẹ và thân thiện cho làn da. Lactic Axit được dùng để tẩy tế bào chết nhẹ nhàng cho những làn da nhạy cảm, da dễ kích ứng vì Axit Lactic có thêm chức năng dưỡng ẩm hiệu quả. Các cô nàng dễ dàng thấy được hiệu quả sau khi dùng Lactic Axit, đó là không chỉ bề mặt da mềm mượt mà còn căng bóng tự nhiên.
Bạn có thể dùng Lactic Axit ở nồng độ khoảng 5% cho những tình trạng da nhạy cảm nặng, hoặc người mới bắt đầu. Và đừng quên kết hợp dùng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng để bảo vệ da vào ngày hôm sau đấy.
Kem dưỡng ẩm
Chúng ta thường nghĩ đến những thành phần actives mạnh mẽ nào là AHA, BHA, Retinoids,… nhưng thực tế làn da chỉ cần dưỡng ẩm đầy đủ. Bởi cơ chế sinh học của da rất thông minh, khi làn da khỏe chúng sẽ tự thay đổi tế bào mới sau mỗi 28 ngày mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào khác. Bạn có thể thấy một số bạn có thể không có routine skincare cầu kỳ, chỉ cần làm sạch, dưỡng ẩm và chống nắng mà da vẫn đẹp mê ly! Đó là vì tôn trọng sinh lý của làn da vốn có.
Kem dưỡng ẩm bạn có thể chọn tùy theo tình trạng da, ví dụ như da khô ưu tiên thành phần dưỡng ẩm như Hyaluronic Acid, vitamin B5, Ceramide, Peptide,… Còn da dầu thì chọn kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh và không gây bít tắc lỗ chân lông. Và hãy dưỡng ẩm đều đặn cho da mỗi ngày và lắng nghe nhu cầu cần thiết của da để có cách skincare phù hợp.
Những lưu ý về tẩy tế bào chết cho làn da nhạy cảm
Bên cạnh việc chọn được các hoạt chất tẩy tế bào chết cho làn da nhạy cảm, thì bạn vẫn cần chú ý thêm một vài nguyên tắc cơ bản để chăm sóc da an toàn và hiệu quả hơn:
- Thấu hiểu về tình trạng da nhạy cảm: không có bất kỳ thành phần nào là phù hợp 100% với mọi người, đặc biệt ở làn da nhạy cảm. Do đó, những thành phần trong bài viết chỉ là những gợi ý và cần patch-test, trải nghiệm an toàn.
- Lưu ý về nồng độ sử dụng: chúng ta luôn nghĩ nồng độ cao mới hiệu quả nhanh. Nhưng hãy chậm mà chắc bạn nhé, đặc biệt ở những bạn có tình trạng da đang nhạy cảm. Vì khi da kích ứng thì da sẽ càng yếu hơn, quá trình phục hồi sẽ lâu hơn và làm chậm quá trình thay mới của làn da.
- Lưu ý về tần suất sử dụng: bạn không cần tẩy da chết hàng ngày, hàng tuần ở làn da nhạy cảm đâu nè. Mà thay vào đó, hãy xem đây là một bước “extra” thêm vào routine skincare. Hãy đánh giá dựa trên làn da, ví dụ bạn thấy da mình đã khỏe hơn nhưng bề mặt không mịn màng, không đều màu thì có thể cân nhắc tẩy da chết nhé.
- Chăm sóc da sau khi tẩy tế bào chết: và đừng quên các bước phục hồi như dưỡng ẩm cho da thật tốt để tránh da bị mất nước xuyên biểu bì. Và bắt buộc phải dùng kem chống nắng bảo vệ da mỗi ngày để tránh da bị bắt nắng, tăng gốc tự do gây oxy hóa tế bào.
Với làn da nhạy cảm đôi khi bạn có thể bỏ qua bước tẩy tế bào chết cả vật lý và hóa học mà thay vào đó tập trung dưỡng ẩm, phục hồi hàng rào bảo vệ cho da thật khỏe. Nhưng nếu bạn vẫn muốn trải nghiệm hãy ưu tiên những thành phần an toàn và lành tính như là: Urea, NAG, Lactic Axit hay Azelaic Axit nhé! Hi vọng qua bài viết hôm nay Beaudy.vn đã mang đến thêm nhiều thông tin hữu ích, giúp các bạn làm đẹp da an toàn hơn mỗi ngày.
Mình rất mong nhận được đánh giá và phản hồi của các bạn để cải thiện chất lượng nội dung.