Da khô không chỉ là kết quả của việc dưỡng ẩm không đầu đỉ, mà còn có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu các vitamin, axit béo à khoáng chất cần thiết. Tình trạng da khô, căng và mất nước thường âm thầm diễn ra mà chúng ta không dễ dàng nhận biết, vì vậy, việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất hằng ngày là vô cùng quan trọng để duy trì làn da khỏe mạnh. Hôm nay, Beaudy.vn sẽ tiết lộ nguyên nhân da bị khô do thiếu chất gì, và tìm hiểu cách cấp ẩm và phục hồi cho làn da khô hiệu quả nhất!
Da khô là gì? Biểu hiện của da khô
Khi lớp biểu bì của da không còn duy trì được độ ẩm cần thiết, đặc biệt là hàng rào bảo vệ tự nhiên được tạo từ lipid (axit béo) tổn thương, sẽ dẫn đến da bị mất nước và trở nên khô căng. Có 4 tuýp da khô quan trọng nhất: viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã và bàn chân của vận động viên (Athlete’s Foot). Da khô thường dễ gặp ở những người thường xuyên sống ở nơi lạnh, khí hậu khô, phải làm việc nhiều ngoài trời, rửa tay thường xuyên, người trên 65 tuổi.
Da khô có rất nhiều biểu hiện, đầu tiên là những da khô thành từng mảng, bong tróc, vảy trắng, rát đỏ da, sẹo, da xỉn màu, những mảng bầm đỏ đến tím không đồng đều trên da. Da có thể khô ở nhiều vị trí như: lòng bàn tay, bàn chân, các kẽ ngón chân, mặt, khuỷu tay, vùng môi quanh miệng, cẳng chân,… Chính vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu của làn da khô và biết cách chăm sóc da khô đúng cách là rất quan trọng, không chỉ giúp làn da trở nên mịn màng hơn, mà còn giúp da khỏe hơn mỗi ngày.
Da bị khô do thiếu chất gì?
Vitamin A
Vitamin A hay các Retinoids là những thành phần rất quan trọng để duy trì một làn da bình thường. Làn da bình thường có nghĩa là da có sự cân bằng giữa lượng dầu và nước, da không khô căng nhờ có một lớp lipid thật mỏng nhẹ bảo vệ lấy, bên cạnh đó, quá trình sừng hóa diễn ra với tốc độ hợp lý giúp da luôn mềm mại. Thế nhưng, khi cơ thể thiếu hụt vitamin A, sẽ dẫn đến da dày sừng hơn, những mảng khô căng bong tróc ngày càng nhiều, làm giảm khả năng tiết dầu và giữ ẩm tự nhiên.
Để bổ sung vitamin A ngoài việc bôi các sản phẩm có chứa Retinoids (Retinol, Tretinoin, Adapalene, Tazarotene). Bạn có thể kết hợp các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A như là: cà rốt, gan động vật, các loại rau củ quả có màu xanh đậm,…
Vitamin D
Vitamin D hay dạng phổ biến hơn là vitamin D3 ngoài việc bảo vệ cơ xương khớp chắc khỏe, còn là tấm chắn tia UV tự nhiên của hàng rào bảo vệ da. Khi cơ thể thiếu vitamin D, làn da sẽ trở nên mất nước nhanh chóng, do tế bào bảo vệ bị suy yếu và dẫn đến da dễ bị khô. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin D dẫn đến giảm sản xuất các peptide tự nhiên có khả năng kháng khuẩn, nên da dễ bị mụn viêm. Thiếu hụt vitamin D còn gây ra các triệu chứng khác như: ngứa rát, viêm da và làm nặng lên tình trạng khô da.
Ngoài việc thường xuyên phơi nắng trong các khung giờ sáng sớm mỗi ngày, bạn có thể bổ sung vitamin D bằng những nhóm thực phẩm bao gồm: cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng và sữa có chứa Canxi và vitamin D3.
Niacin (Vitamin B3)
Có thể nhiều bạn sẽ lạ lẫm với tên gọi Niacin, thật tế đây là tên gọi chung của Niacinamide, hay là vitamin B3. Tưởng chừng Niacin chỉ liên quan nhiều đến việc kiểm soát dầu và mụn, thế nhưng ít ai biết rằng khi thiếu Niacin còn có thể gây khô da. Nguyên nhân là vì Niacin giúp tăng tổng hợp Ceramide, là một trong ba thành phần cấu tạo nên da, dẫn đến lớp màng bảo vệ da bị mất tính bền vững, da dễ bị mất nước, khô căng và kích ứng nhiều hơn.
Do đó, bạn có thể dùng các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B3 hơn như: gà, cá, đậu phộng,…
Kẽm
Kẽm không chỉ tốt cho làn da dầu mụn, mà còn tốt cho bất kỳ tình trạng da nào. Bởi kẽm là khoáng chất rất quan trọng trong tái tạo các tế bào da mới, ngăn cản tác hại từ môi trường bên ngoài tấn công vào da. Bổ sung kẽm là cách giúp bạn tăng sinh đồng thời cả collagen và protein, nhờ thế giúp duy trì làn da đàn hồi và tăng sức đề kháng tự nhiên. Cùng với đó, kẽm giúp da ít bị mất nước hơn, điều hòa lượng dầu hợp lý khi tiết ra.
Những nhóm thực phẩm chứa nhiều kẽm bạn có thể bổ sung mỗi ngày như: thịt đỏ, hàu, hạt bí ngô, đậu nành,…
Sắt
Sắt là người bạn đồng hành thân thiết để chuyên chở oxy đi đến nuôi dưỡng các mô tế bào, trong đó có cả các tế bào sừng của làn da. Khi cơ thể thiếu hụt oxy, các tế bào như thiếu đi nguồn nguyên liệu cần thiết, từ đó làm chậm quá trình tái tạo tự nhiên, da không chỉ khô căng, còn trở nên xanh xao nhợt nhạt, thiếu sức sống đi rất nhiều.
Để bổ sung sắt đúng cách bạn nên thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng thiếu hụt trước. Các nhóm thực phẩm có chứa nhiều sắt như: thịt đỏ, đậu lăng, rau cải bó xôi, ngũ cốc nguyên cám,…
Vitamin E
Nhắc đến da khô không thể bỏ qua nhóm chất có chứa vitamin E. Ngoài đóng vai trò là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp trung hòa các gốc tự do gây hại, vitamin E còn bảo vệ màng tế bào, giữ ẩm tốt hơn cho da. Chính vì thế, vitamin E sẽ ngăn ngừa tình trạng da bị mất nước do tổn thương bởi tia UV. Không những thế, vitamin E còn là thành phần rất tốt cho da khô, giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm, một vấn đề nan giải và thường gặp khi da thiếu độ ẩm.
Bạn có thể ăn nhiều loại hạt hạnh nhân, hạt chia, quả bơ và dầu hướng dương,… đây là cách hiệu quả giúp bạn cung cấp lượng vitamin E cần thiết.
Axit béo Omega 3
Vài năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu về làm đẹp đã nhận ra những vai trò quan trọng của hàng rào bảo vệ da. Trong đó, tìm hiểu về các thành phần cấu tạo nên lớp màng này, bao gồm có cả lipid (axit béo) và ceramide. Để giữ cho lớp lipid ổn định nhất, thì rất cần hàm lượng Omega 3 dồi dào. Bởi thiếu hụt Omega 3 sẽ giảm tổng hợp lớp lipid tốt tự nhiên, giảm khả năng giữ nước vẹn toàn vốn có. Không những thế, thiếu Omega 3 da càng dễ bị khô và kích ứng nhiều hơn thế nữa.
Các nhóm thực phẩm giàu Omega 3 bạn có thể dùng thêm như: cá hồi, cá thu, hạt lanh, dầu olive, hạt chia, dầu cá,…
Cách cấp ẩm và phục hồi đúng cách cho làn da khô
Luôn cấp ẩm cho làn da
Ngay cả khi làn da khô do thiếu hụt dưỡng chất bạn vẫn cần phải dưỡng ẩm thật tốt bằng các chất bôi bên ngoài da. Bạn có thể dùng những loại dưỡng ẩm có kết cấu dày như ointments (thuốc mỡ), dạng kem, lotions, dầu dưỡng,… Và bắt buộc phải có những thành phần cấp ẩm, hút nước và giữ ẩm trong đó, ví dụ như Hyaluronic Acid, Ceramide, Bơ hạt mỡ, Urea,…
Bên cạnh đó, hãy tránh các sản phẩm có chứa hương liệu, isopropyl alcohol, benzyl alcohol, sulphates,…
Tránh các nhóm thực phẩm gây mất nước
Bên cạnh việc bổ sung 7 nhóm thực phẩm khi da bị khô do thiếu hụt. Bạn cần tránh xa những thực phẩm dễ khiến da bị mất nước nhanh chóng, bao gồm có: cồn (rượu bia), cà phê (Caffein), đường, muối,…
Beaudy.vn chân thành cảm ơn các bạn đọc giả đã luôn quan tâm và đón xem các chủ đề làm đẹp của chúng mình. Hi vọng bài viết hôm nay đã giúp các bạn giải đáp mối lo lắng về việc: da bị khô do thiếu chất gì? Và từ đó có những bí quyết cấp ẩm và phục hồi da khô đúng cách và hiệu quả hơn. Beaudy.vn hẹn gặp lại các bạn trong các chủ đề chăm sóc da sắp tới nhé!
Các bạn có thể giúp mình đánh giá chất lượng bài viết bằng cách để lại nhận xét của các bạn ở phần dưới được không?