Sợi tóc khô xơ, trẻ ngọn, mái tóc rối xù và kém mượt mà là tình trạng mà người người đang mắc phải, đặc biệt là chị em phụ nữ. Vậy phải nguyên nhân nào khiến tóc tổn thương và làm thế nào để khắc phục tại nhà mà không cần phải tốn công ra salon. Hãy cùng xem ngay 10 cách phục hồi tóc hư tổn tại nhà vừa dễ dàng thực hiện mà lại an toàn cho sức khỏe nha!
Nguyên nhân khiến tóc bị hư tổn
Trước khi đi vào phần cách khắc phục chúng ta cần điểm lại xem đâu là những nguyên nhân khiến khiến cho mái tóc bị hư tổn, từ đó tránh được những tổn thương không đáng có. Dưới đây sẽ là một vài nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất:
Chăm sóc tóc sai cách
Mặc dù đã chăm sóc tóc rất kỹ lưỡng với nhiều sản phẩm gội xả khác nhau mà tóc bạn vẫn hư tổn đúng không? Có lẽ là do bạn đã mắc sai lầm khi lựa chọn sản phẩm phù hợp với tóc rồi đó. Ví dụ như da đầu khô mà chọn dầu gội cho tóc dầu thì tóc sẽ càng khô cứng hơn. Hoặc là các sản phẩm có chứa nhiều silicon, sunfate cũng sẽ khiến tóc bị thiếu độ ẩm và sự bóng mượt.
Cùng với đó thì một số thói quen như tác động nhiệt độ quá cao từ máy sấy, máy ép tóc sẽ khiến sợi tóc ngày càng khô cứng, dễ bị trẻ ngọn và gãy rụng. Nếu là người thường xuyên uốn nhuộm tóc thì nguy cơ tóc hư tổn là rất cao, bởi vì quá trình này sẽ khiến tóc phải tiếp xúc với một lượng lớn các hóa chất, dần dần sẽ mất đi độ mềm mượt tự nhiên. Bên cạnh đó, nếu lạm dụng quá nhiều gôm, sáp giữ nếp tóc hoặc dầu gội khô cũng khiến mái tóc ngày càng yếu hơn.
Yếu tố tác động cuối cùng có thể khiến tóc hư tổn đó chính là ánh nắng. Khi bạn thường xuyên đi dưới trời nắng mà không sử dụng ô hay mũ để bảo vệ cho mái tóc thì tia UV sẽ có cơ hội làm hại các nang tóc. Đầu tiên chính là khiến tóc đổi màu, bị vàng đi trông thấy. Tiếp đến sẽ bị trẻ ngọn, khô xơ và kém đàn hồi, lâu dần có thể khiến tóc bị hư tổn nặng nề.
Tác động từ bên trong cơ thể
Đầu tiên là phải nhắc đến dưỡng chất, có rất nhiều người áp dụng các phương pháp giảm cân tiêu cực kém khoa học khiến cho tóc và cơ thể không có đủ dưỡng chất. Nếu thiếu đi nguồn dinh dưỡng, mái tóc sẽ trở nên khô yếu hơn, dễ gãy rụng và khả năng mọc tóc con cũng giảm. Cùng với đó, nếu chịu áp lực tinh thần kéo dài, hường xuyên mất ngủ thì tóc của bạn sẽ cực kì dễ gãy rụng.
3 cách nhận biết tình trạng tóc hư tổn
- Tóc chìm ngay sau khi chạm nước: đặc trưng của tóc hư tổn đó là sợi tóc giòn, xốp, dễ thấm nước. Chính vì thế khi bạn thả tóc vào một cốc nước mà tóc chìm nhanh hoặc khi gội đầu thấy tóc hút nước cũng rất nhanh thì chắc chắn tóc đang gặp vấn đề.
- Tóc khô xơ, bị trẻ ngọn: khi bạn luồn ngón tay qua các lọn tóc, hay làm động tác vuốt mà thấy tóc bị mắc và cảm giác không được trơn chu thì đó là biểu hiện của hư tổn. Cùng với đó, hư tổn còn có thể nhận thấy khi một sợi tóc mà bị tách ra thành 2-3 sợi nhỏ ở phần ngọn tóc, thậm chí là có thể tách đôi sợi tóc.
- Tóc ngả màu vàng đồng hoặc bị xỉn màu: biểu hiện này sẽ thấy ở những bạn có tóc đen hoặc tóc tối màu nhiều hơn. Đặc biệt là đối với ai thường xuyên đi nắng hoặc dùng các dụng cụ tạo kiểu cho tóc.
10 cách phục hồi tóc hư tổn tại nhà
Sau khi đã nắm rõ được những tác nhân chính gây hư tổn cho tóc và biết làm thế nào để nhận biết tóc đang bị tổn thương thì đã đến lúc tìm cách để khắc phục rồi. Dưới đây sẽ là 10 cách phục hồi tóc hư tổn tại nhà mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện mà không cần mất quá nhiều công sức ra salon để hấp, ủ hay phục hồi. Mình sẽ chia thành 3 nhóm chính để cho các bạn dễ hình dung và lựa chọn hơn nha.
Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên
1. Làm mặt nạ cho tóc với chuối
Nhắc đến chuối là nhắc đến một loại quả vô cùng quen thuộc và gần gũi trong đời sống. Bạn có biết mỗi quả chuối có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cực kì cao. Đặc biệt còn có chứa vitamin C, B6 và Kali có công dụng giảm khô xơ, tăng cường độ suôn mượt cho mái tóc.
Cách thực hiện
- Đầu tiên chuẩn bị 2-3 trái chuối tùy vào độ dài tóc, tiếp đến bạn dùng thìa nghiền nhuyễn. Có thể trộn cùng với trái bơ theo tỷ lệ 1:1 nếu có.
- Sau khi đã gội sạch đầu, bạn thoa đều phần chuối nghiền lên tóc và đặc biệt là đuôi tóc. Nên massage nhẹ nhàng để tóc thấm dưỡng chất và ủ trong khoảng 30 phút.
- Gội sạch đầu với nước mát. Nếu là tóc dầu và sợ bí da đầu thì nên ủ tóc trước rồi mới gội đầu. Thực hiện liên tục 2 lần/ tuần.
2. Sử dụng sữa chua, mật ong và chanh
Cách tiếp theo mà chúng ta có thể áp dụng đó chính là dùng sữa chua. Đây được xem là nguồn protein dồi dào cho tóc, đồng thời còn có các khoáng chất như canxi, kẽm và các vitamin nhóm B. Công dụng chính là giúp tóc giảm khô xơ, cải thiện gàu ngứa. Ngoài ra vitamin C có trong chanh, và độ ẩm dồi dào từ mật ong sẽ cung cấp độ ẩm tự nhiên cho mái tóc.
Cách thực hiện
- Bạn lựa chọn sữa chua không đường, 1-2 hộp tùy độ dài tóc sau đó trộn cùng 1 thìa mật ong và 1 thìa nước cốt chanh.
- Tiếp đến trộn đều hỗn hợp và thoa lên tóc rồi ủ trong vòng 25-30 phút.
- Cuối cùng chỉ cần gội sạch tóc với dầu gội là được. Tần xuất từ 1-2 lần/ tuần.
3. Gội đầu với bồ kết và vỏ bưởi
Từ xa xưa những nguyên liệu thân quen như bồ kết, vỏ bưởi, hương nhu luôn được các mẹ các bà lựa chọn để nuôi dưỡng mái tóc dài, mượt. Và khi cần phục hồi tóc thì đây cũng sẽ là những thành phần đáng tin tưởng. Trong vỏ bưởi có chứa tinh dầu giúp giảm rụng tóc, ngăn tóc khô xơ. Còn bồ kết có chứa saponin với công dụng chính là mang lại độ mềm mượt, khỏe mạnh cho tóc và giảm gàu ngứa.
Cách thực hiện:
- Bạn cho quả bồ kết khô lên bếp rang hoặc nướng trên lửa nhỏ đến khi có mùi thơm.
- Đổ nước lạnh vào nồi và cho vỏ bưởi cùng bồ kết vào trong.
- Đun đến khi nước sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp.
- Để nước nguội hoặc pha thêm cùng với nước lạnh rồi tiến hành gội đầu khi bình thường.
- Cách này nên thực hiện liên tục 2-3 lần/ tuần.
4. Ủ tóc với dầu dừa
So với những loại tinh dầu như argan, dầu ô liu thì dầu dừa có giá thành rẻ hơn , dễ tìm kiếm mà hiệu quả phục hồi tóc lại rất tốt. Hàm lượng ẩm có trong dầu dừa sẽ giúp tóc mềm hơn, lấy lại độ bóng mượt, khắc phục khô xơ trẻ ngọn và đặc biệt là tăng cường khả năng kháng viêm.
Cách thực hiện
- Bạn có thể thực hiện trước khi gội đầu, thoa dầu dừa lên tóc, nếu da đầu nhiều dầu nhờn thì chỉ nên thoa 2/3 thân tóc. Tiếp đến là ủ tóc trong 30 phút và gội đầu như bình thường.
- Cách tiếp theo là thoa dầu dừa khi đã gội đầu, bạn thấm hết nước trên tóc và tiến hành ủ tóc với dầu dừa trong khoảng 20 phút. Cuối cùng là xả lại tóc bằng nước ẩm. Cách này chỉ nên dùng cho thân tóc và ngọn tóc thôi nha.
- Thực hiện liên tục 3 lần/ tuần.
Sử dụng các sản phẩm phục hồi chuyên sâu
5. Lựa chọn sản phẩm gội-xả phục hồi tóc
Nếu bạn không có nhiều thời gian để đun nước gội đầu thì có thể tìm kiếm những dòng sản phẩm gội xả phục hồi tóc. Trước hết, khi tóc đang bị hư tổn thì không nên sử dụng các sản phẩm gội đầu có chứa sunfate, muối natri, silicone vì chúng sẽ khiến tóc ngày càng khô xơ. Thay vào đó thì nên ưu tiên các thành phần có khả năng dưỡng ẩm như bơ, dầu ô liu, dầu dừa.
Ngoài ra thành phần của sản phẩm nên có chứa protein, axit amin, keratin hoặc vitamin E để cải thiện tình trạng tóc khô sơ và giảm tình trạng trẻ ngọn. Bên cạnh đó bạn cũng nên chú ý đến độ pH của sản phẩm, pH càng cao thì có nghĩa loại dầu gội đó có tính kiềm. Và điều này sẽ khiến tóc ngày càng khô xơ, và hư tổn nhiều hơn. Một số thương hiệu mà bạn có thể tham khảo như Tsubaki, Bed Head, Biotin & Collagen, Hair Brust, OGX,..
6. Kem ủ tóc Keratin
Cũng giống như dầu gội, ủ tóc keratin sẽ dành cho những ai bận rộn hoặc có mái tóc hư tổn quá nặng và những biện pháp từ thiên nhiên không mang lại hiệu quả. Những dòng sản phẩm ủ tóc chứa keratin sẽ mang đến độ ẩm mượt tức thì cho tóc và ngay lập tức giảm được tình trạng rối xù. Kiên trì sử dụng chúng sẽ giúp sợi tóc được lấy lại vẻ óng ả và mềm mại vốn có. Tuy nhiên bạn cần chọn lựa sản phẩm sao cho phù hợp với tóc và kiên trì sử dụng lâu dài.
Keratin là một trong những thành phần chiếm chủ đạo trong cấu trúc của tóc, chúng cũng sẽ quyết định độ chắc khỏe và mềm mượt của mái tóc. Keratin thường dễ bị mất đi nếu tóc phải tiếp xúc với nhiệt độ cao và hóa chất. Bên cạnh đó một số dưỡng chất có trong hạt hạnh nhân, dầu maca cũng giúp tóc khỏe hơn.
Bạn có thể tìm mua các loại ủ tóc keratin tại đây
7. Bổ sung độ ẩm bằng dầu dưỡng tóc
Bên cạnh ủ tóc thì việc sử dụng serum tóc, dầu dưỡng tóc cũng là cách đơn giản mà bạn có thể làm tại nhà để phục hồi tóc bị hư tổn. Đối với những ai có tóc bị khô xơ, trẻ ngọn thì việc dùng dầu dưỡng tóc sau khi gội đầu, lúc tóc còn đang ẩm sẽ mang lại mái tóc mềm mại, thẳng mượt. Dầu dưỡng không chỉ bổ sung độ ẩm, dưỡng chất mà còn có khả năng bảo vệ tóc khỏi những tác động xấu từ môi trường, điển hình là ánh nắng mặt trời.
Bạn có thể tìm mua dầu dưỡng tóc tại đây
Thay đổi thói quen chăm sóc tóc
8. Gội đầu đúng cách
Gội đầu là một thao tác cần phải có để làm sạch tóc và da đầu, đồng thời giúp hạn chế vi khuẩn, nấm và gàu hình thành. Tuy nhiên có nhiều người đã mắc phải những sai lầm cơ bản và vô tình làm tổn thương mái tóc nhiều hơn. Dưới đây là những sai lầm điển hình.
- Dùng nước nóng: nước quá nóng sẽ vô tình lấy đi cả độ ẩm có sẵn ở da đầu và ở thân tóc. Điều này khiến sợi tóc khô xơ, dễ bị rối xù, còn da đầu thì yếu dần và tạo điều kiện cho gàu hình thành và khiến tóc không còn chắc khỏe nữa.
- Không dùng dầu xả: sau khi gội đầu thì bụi bẩn và một phần độ ẩm trong tóc cũng sẽ mất đi. Chính vì thế dầu xả sẽ giúp bạn bù đắp lại lượng ẩm đó và mang đến nhiều dưỡng chất có lợi cho tóc. Tuy nhiên chỉ sử dụng dầu xả ở 2/3 thân tóc chứ không nên để dầu xả lên da đầu.
- Trải đầu khi tóc ướt: tóc ướt là thời điểm mà các nang tóc dễ bị tổn thương nhất, nếu chải tóc lúc này không những không giúp tóc mượt hơn mà còn ra tăng nguy cơ rụng tóc.
- Sấy tóc ở nhiệt độ cao: sau khi gội bạn nên để tóc khô tự nhiên hoặc sấy tóc ở chế độ mát đến khi tóc khô khoảng 60% là được. Không nên sấy nóng vì sẽ khiến mái tóc khô và xơ hơn.
9. Bảo vệ tóc trước khi tạo kiểu
Trong nhiều trường hợp bắt buộc, việc sử dụng máy uốn và máy ép sẽ giúp mái tóc được gọn gàng hoặc được tạo kiểu chỉn chu hơn. Nếu vậy bạn hãy thoa một lớp dầu dưỡng tóc trước khi tác động nhiệt lên mái tóc. Hoặc bạn có thể tết tóc để tạo nếp xoăn cũng góp phần hạn chế hư tổn. Thêm vào đó, bạn chỉ nên dùng gel, xịt giữ nếp khi phải tạo kiểu tóc mà thôi, còn ngày bình thường thì không nên sử dụng.
10. Cung cấp dưỡng chất từ bên trong
Song hành với dưỡng chất từ bên ngoài thì bạn nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa biotin, protein, vitamin hoặc các khoáng chất như kẽm, sắt để giúp mái tóc được chắc khỏe hơn. Cách này cũng góp phần giúp tóc con sau khi mọc dài sẽ khỏe mạnh, bóng mượt và hạn chế được tình trạng khô xơ, trẻ ngọn.
Bạn có thể xem thêm nhiều bài viết khác tại đây:
- Nhuộm tóc màu gì cho sáng da? Top 10 màu tóc giúp làn da tươi tắn rạng ngời
- Rụng tóc nhiều là bệnh gì? Có phải do cơ thể suy nhược trầm trọng hay không?
Làm đẹp là nhu cầu và là đặc quyền của mỗi người trong số chúng ta, và để có thể đón đầu những xu hướng làm đẹp mới nhất, hiệu quả nhất thì đừng quên ghé thăm chúng tớ mỗi ngày nha!