Viêm da tiết bã được đánh giá là một bệnh về da khó điều trị, tiến triển mãn tính nếu không điều trị đúng cách. Không chỉ đặc trưng bởi sự tăng tiết dầu thừa như chúng ta thường nghĩ đến, viêm da tiết bã còn có sự tấn công của nấm men Malassezia, yếu tố di truyền, thay đổi nội tiết tố, thời điểm giao mùa khác nhau cũng khiến bệnh nặng hơn. Vì thế hiểu rõ về bệnh viêm da tiết bã sẽ giúp các bạn có phương pháp phòng ngừa và hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn. Hôm nay, Beaudy.vn sẽ bật mí tất tần tật về viêm da tiết bã qua bài viết bên dưới đây nhé!
- Viêm da tiết bã là gì?
- Nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã
- Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức
- Nấm men Malassezia
- Yếu tố di truyền
- Thay đổi nội tiết tố
- Căng thẳng
- Rối loạn hệ miễn dịch
- Dấu hiệu và nhận biết viêm da tiết bã
- Cách điều trị viêm da tiết bã hiệu quả
- Cách phòng ngừa viêm da tiết bã
- Những câu hỏi về viêm da tiết thường hay gặp
Viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã có tên khoa học là Seborrhoeic Dermatitis (SD), là một bệnh viêm da mãn tính, thường gặp ở các vùng da dễ tiết nhiều dầu nhờn như: da đầu, mặt, ngực, lưng, nách hay thậm chí ở các bộ phận sinh dục,… Đặc biệt SD có thể tái phát trong thời gian dài, có xu hướng nặng lên nếu không được điều trị đúng cách, bệnh thường xuất hiện nặng vào 2 mùa đông và mùa xuân.
Bệnh viêm da tiết bã không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất cuộc sống, khiến rất nhiều bạn gặp phải tình trạng này phải “đau đầu” và mất đi tự tin.
Nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã
Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức
Tuyến bã nhờn là những tuyến nhỏ nằm dưới da, có chức năng sản xuất bã nhờn giúp giữ ẩm cho bề mặt da và tóc. Nhưng đối với những người bị viêm da tiết bã thì tuyến bã nhờn không còn hoạt động như bình thường, mà thay vào đó là sự tăng sinh quá mức. Điều này tạo ra yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của viêm khuẩn và nấm men gây viêm da.
Trong một nghiên cứu vào năm 2020 của tạp chí Journal of Investigative Dermatology cho thấy việc sử dụng các loại thuốc ức chế tuyến bã nhờn có thể cải thiện triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã. Điều này cũng góp phần chứng minh viêm da tiết bã do dầu thừa bị tăng sinh quá mức.
Nấm men Malassezia
Tuy không rõ cơ chế nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nấm men Malassezia trong bệnh cảnh viêm da tiết bã. Loại nấm men này thường sống trên da người khi gặp điều kiện phù hợp sẽ tăng sinh gây ngứa, đỏ và viêm da. Điều đặc biệt là nấm men Malassezia thường gây bệnh cảnh ở mặt nhiều hơn, vì thế rất dễ ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi người bị SD.
Yếu tố di truyền
Cùng với đó, yếu tố di truyền cũng đã chỉ ra đối với những người thân trong gia đình nếu bị viêm da tiết bã, thì con cháu trong nhà cũng có nguy cơ bị mắc bệnh này.
Thay đổi nội tiết tố
Viêm da tiết bã có thể gặp ở những người phụ nữ khi mang thai, cho con bú hay trong thời kỳ mãn kinh. Lúc này có sự thay đổi hormone bên trong cơ thể dẫn đến sự tăng hoạt động của tuyến bã nhờn làm tăng nguy cơ bị SD nhiều hơn nhóm đối tượng khác.
Căng thẳng
Căng thẳng hay stress làm tăng hormone gây viêm là cortisol, cortisol làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã bằng cách tăng hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn trên da. Đồng thời cortisol làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, làm cơ thể dễ bị nhiễm nấm hay các vi khuẩn gây hại. Và cortisol còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men Malassezia phát triển.
Rối loạn hệ miễn dịch
Sự bất thường của hệ miễn dịch trong các bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống cũng góp phần tăng nguy cơ mắc viêm da tiết bã. Các bệnh lý miễn dịch làm các tế bào khỏe mạnh bị suy yếu, mất khả năng kháng lại các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài nên rất dễ bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn ở nhóm người này.
Dấu hiệu và nhận biết viêm da tiết bã
Bệnh viêm da tiết bã có thể xuất hiện rất đột ngột, kéo dài khá lâu từ vài tuần đến vài tháng. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh SD thông qua các biểu hiện ngoài da như:
- Mẩn đỏ: mảng mẩn đỏ có kích thước đa dạng từ nhỏ đến lớn
- Vảy da: vảy da màu trắng, xám, vàng thường rất dễ bong tróc
- Ngứa ngáy: cảm giác ngứa tăng lên dữ dội theo tình trạng của bệnh
- Bong tróc da: thường thấy khi tình trạng da thường xuyên khô ráp, thiếu ẩm
Cách điều trị viêm da tiết bã hiệu quả
Điều trị viêm da tiết bã tại nhà
Viêm da tiết bã có thể kiểm soát một phần tại nhà bằng các phương pháp chăm sóc da hợp lý, tránh cơ thể bị khô căng hay bong tróc, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bạn có thể tham khảo các phương pháp sau đây:
- Chọn các loại dầu gội có thành phần kháng nấm như Ketoconazole, Selenium Sulfide, Pyrithione Zinc (kẽm),… có thể làm giảm triệu chứng ngứa da, sưng đỏ.
- Khi tắm hãy tắm bằng nước ẩm, tránh dùng nước quá nóng vì sẽ khiến da càng khô hơn, dễ mất đi độ ẩm tự nhiên.
- Đối với việc dưỡng ẩm cho da, hãy chọn các loại kem dưỡng lành tính có chứa thành phần như: Hyaluronic acid, vitamin B5, Peptide, Ceramide, Niacinamide… để tăng khả năng làm dịu và củng cố hàng rào bảo vệ da. Hãy hạn chế các thành phần dễ kích ứng và có thể gây bít tắc lỗ chân lông ví dụ như: cồn khô, hương liệu, dầu khoáng,…
- Có thể áp dụng các phương pháp thiên nhiên bằng các nguồn nguyên liệu như: dầu dừa (giảm ngứa, giảm đỏ), chuối (giữ ẩm cho da nhờ có nhiều vitamin E và Kali), nha đam (làm dịu, giảm kích ứng),…
Điều trị viêm da tiết bã bằng thuốc
Khi tình trạng viêm da tiết bã nặng hơn, Beaudy.vn khuyên bạn nên đến thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và chọn ra các loại thuốc bôi và thuốc uống phù hợp. Thông thường bạn sẽ thấy các thành phần như:
- Corticosteroids: giúp kháng viêm mạnh, giảm các triệu chứng ngứa, mẩn đỏ, sưng viêm nhanh chóng. Tuy nhiên lại rất dễ làm mỏng da, rạn da, teo da và lệ thuộc vào Corticosteroids.
- Kháng nấm: thường có như Ketoconazole có tác dụng chống lại sự tăng sinh vi nấm, góp phần giảm tình trạng bã nhờn và khó chịu do bệnh gây ra.
- Retinoid (dẫn xuất của vitamin A): có công dụng tẩy da chết nhẹ nhàng, giảm các lớp vảy da, bong tróc, giúp da mịn màng hơn. Nhưng lại chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và cho con bú sữa mẹ.
Điều trị bằng laser
Laser là phương pháp điều trị bệnh viêm da tiết bã được nghiên cứu trong những năm gần đây nhưng hiệu quả được chứng minh rất tốt. Laser có thể giảm triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã lên đến 80% sau 4 tuần điều trị, cải thiện hơn 90% triệu chứng sau 6 tuần điều trị. Laser hoạt động bằng cách giảm sản xuất bã nhờn và tiêu diệt nấm men Malassezia.
Tuy nhiên để điều trị laser hiệu quả các bạn cần phải thăm khám với các bác sĩ có tài nghề cao, chuyên môn tốt và cần có khoảng kinh phí hợp lý vì giá thành phương pháp này thường rất cao.
Cách phòng ngừa viêm da tiết bã
Chăm sóc da đúng cách
Đây là phương pháp rất đơn giản nhưng có hiệu quả cao giúp cân bằng lại độ ẩm, giảm dầu thừa và hạn chế môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển. Các bạn có thể thực hiện qua các phương pháp như: tắm rửa thường xuyên, sử dụng các loại sản phẩm trị gàu cho da đầu và kháng nấm, chăm chỉ bôi kem dưỡng ẩm, tránh gãi da, tránh làm tổn thương da.
Tránh các tác nhân kích ứng da
Hạn chế các tác nhân gây viêm da tiết bã sẽ giúp các bạn giảm rất nhiều triệu chứng khó chịu của bệnh như: ngứa rát, đỏ, bong tróc,… Các bạn hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp như: hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa chất tẩy rửa quá mạnh, hạn chế mặc quần áo quá chật quá bó, mỗi khi thời tiết giao mùa cần lắng nghe và chăm sóc cơ thể tốt hơn,…
Kiểm soát căng thẳng
Stress, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố đều có thể làm các triệu chứng viêm da tiết bã trầm trọng hơn. Vì thế các bạn có thể áp dụng cách giảm căng thẳng: tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, ngủ đủ giấc, thiền hoặc yoga, tránh các chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá,…
Những câu hỏi về viêm da tiết thường hay gặp
Viêm da tiết bã thường gặp ở đâu?
Viêm da tiết bã thường gặp ở nhóm đối tượng: nam trung niên lớn hơn 40 tuổi, đặc biệt sau 65 tuổi. Gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới. Và đôi khi viêm da tiết bã có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh.
Viêm da tiết bã do tình trạng tăng tiết bã nhờn nên các vùng như: đầu, mặt, cổ, lưng, ngực,… đều rất dễ bị viêm da tiết bã.
Viêm da tiết bã có lây không?
Có một tin rất vui về bệnh viêm da tiết bã, là bệnh này không lây từ người này sang người khác. Đó là do sự phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể, nếu một người khỏe mạnh có thể ngăn chặn được sự tấn công của vi nấm Malassezia trên da.
Vậy là bài viết đến đây đã kết thúc, Beaudy.vn chân thành cảm ơn các bạn đã đón xem về chủ đề viêm da tiết bã lần này, hi vọng bài viết đã cung cấp thêm thật nhiều thông tin có giá trị và hữu ích hơn. Hẹn gặp lại các bạn trong các chủ đề sắp tới nhé!
Các bạn có thể đóng góp ý kiến của mình về bài viết này ở phần bình luận, mình sẽ rất cảm kích.