Mụn mủ không chỉ gây sưng tấy, đau đớn mà còn có nguy cơ ăn sâu vào da, dẫn đến những vết sẹo lâu dài nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Chính vì thế, cho đến hiện nay mụn mủ vẫn là nỗi ám ảnh của mọi tín đồ khi chăm sóc da. Hãy cùng Beaudy.vn tìm hiểu toàn diện về mụn mủ là gì, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả để có làn da khỏe đẹp như ý nhé!
- Mụn mủ là gì?
- Nguyên nhân gây ra mụn mủ phổ biến
- Sản xuất dầu thừa quá mức
- Da có nhiều tế bào chết
- Có sự tham gia của vi khuẩn gây mụn
- Thay đổi hormone trong cơ thể
- Do các nguyên nhân đặc biệt khác
- Cách điều trị mụn mủ an toàn hạn chế sẹo mụn
- Dùng các thuốc đường bôi trực tiếp
- Thuốc kháng sinh theo kê toa của bác sĩ da liễu
- Điều trị bằng phương pháp laser ánh sáng
- Cân bằng hệ vi sinh vật trên da
- Peel da hóa học
- Không nên tự ý nặn mụn
- Phương pháp phòng ngừa mụn mủ tại nhà
Mụn mủ là gì?
Mụn mủ được xếp vào nhóm mụn trứng cá gây viêm đỏ phổ biến ở làn da dầu, da nhờn và da dễ bị mụn. Mụn mủ thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng bắt buộc các tuyến bã nhờn phải tăng hoạt động, kèm theo đó là các tấn công từ tia UVA/UVB dẫn đến tăng các gốc tự do gây viêm mụn nặng hơn. Quá trình hình thành nên một nốt mụn mủ có thể trải qua 5 giai đoạn chính:
- Tắc nghẽn: do tích tụ bã nhờn, tế bào chết, và vi khuẩn tạo thành một nút bít tắc cứng trên bề mặt da.
- Viêm nhiễm: có sự tham gia của vi khuẩn Cutibacterium Acnes (C.Acnes) tuýp 1.
- Phản ứng của cơ thể: bằng cách tăng hoạt động của hệ miễn dịch, huy động các tế bào bạch cầu, cytokine giảm viêm da.
- Hình thành mủ: đó là “hậu quả” còn sót lại bao gồm cả bạch cầu, vi khuẩn chết và bã nhờn tạo thành mủ trắng hoặc vàng.
- Mụn mủ: do dịch mủ tích tụ trong các nang lông, gây đau và sưng đỏ.
Triệu chứng của mụn mủ trên da
Mụn mủ sẽ biểu hiện đa dạng trên da với các triệu chứng đa dạng, đặc trưng của các phản ứng viêm nhiễm.
- Nốt sẩn đỏ đau và cứng
- Mụn mủ to chứa dịch trắng đục hoặc vàng
- Đau khi chạm vào
- Viêm đỏ vùng da xung quanh
Mụn mủ có nguy hiểm không?
Mụn mủ được đánh giá tình trạng mụn phức tạp, do có sự tham gia của vi khuẩn gây mụn. Do đó nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể dẫn đến tổn thương lâu dài, gây sẹo mụn do phá hủy các collagen và elastin bên dưới da. Ngoài ra mụn mủ có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng cho các vùng da lành khác. Và hậu quả khó chịu nhất chính là tình trạng tăng sắc tố sau viêm (PIH) dẫn đến thâm mụn lâu khỏi.
Nguyên nhân gây ra mụn mủ phổ biến
Sản xuất dầu thừa quá mức
Tuyến bã nhờn không xấu bởi vai trò của chúng là giúp giữ ẩm cho làn da khỏi khô căng, bong tróc. Nhưng khi tuyến bã nhờn tăng hoạt động bởi các yếu tố như: tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai, thuốc, di truyền,… dẫn đến dầu thừa tăng sản xuất quá mức gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Da có nhiều tế bào chết
Đối với người trẻ tế bào chết cần khoảng 28 ngày để bong ra tự nhiên. Nhưng với làn da mụn thì quá trình này diễn ra chậm hơn và tích tụ lại bên trong lỗ chân lông và bề mặt da. Tế bào chết góp phần là yếu tố khiến da dễ bị mụn, dày sừng và tăng sắc tố sau mụn.
Có sự tham gia của vi khuẩn gây mụn
Thói quen vệ sinh da không tốt, kèm theo môi trường nhiều bụi bẩn sẽ rất dễ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây mụn phát triển. Khi có sự tham gia của vi khuẩn sẽ làm da hình thành mụn mủ, phân biệt so với nhân mụn trứng cá không viêm (mụn đầu đen, mụn đầu trắng).
Thay đổi hormone trong cơ thể
Hormone Androgen xuất hiện nhiều ở nam giới và có ở cả nữ giới, khi nhóm hormone này tăng hoạt động dẫn đến tuyến bã nhờn tự tăng sản xuất dầu thừa một cách đột ngột. Chất lượng sợi bã nhờn bị đặc quánh lại, kèm theo đó là các tuyến bã nhờn non phải tăng hoạt động, dẫn đến dầu thừa và mụn mủ mãi không khỏi.
Do các nguyên nhân đặc biệt khác
Mụn mủ còn có thể là hậu quả sau những phản ứng dị ứng ở những đối tượng có tình trạng da nhạy cảm, phản ứng viêm kéo dài khiến nền da mỏng yếu, da mất cân bằng hệ vi vật bảo vệ tự nhiên. Ngoài ra, một số nhóm thuốc như là Corticosteroids hoặc Lithium có thể là tác nhân gây ra mụn mủ.
Cách điều trị mụn mủ an toàn hạn chế sẹo mụn
Dùng các thuốc đường bôi trực tiếp
Có rất nhiều hoạt chất đường bôi ngoài da có thể hỗ trợ kháng viêm, ức chế vi khuẩn gây mụn và tẩy tế bào chết. Đây là phương pháp đầu tiên được khuyến khích trong việc điều trị mụn mủ hiệu quả trước khi đến những cách khác. Một vài hoạt chất thường được khuyến khích sử dụng bao gồm có: Benzoyl Peroxide (BPO), Retinoids (Retinol, Tretinoin, Adapalene), Salicylic Acid (BHA), Sulfur, Azelaic Acid, Tea Tree Oil,…
Thuốc kháng sinh theo kê toa của bác sĩ da liễu
Nếu tình trạng mụn mủ nặng và kéo dài có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của các bác sĩ da liễu. Kháng sinh có 2 đường dùng để trị mụn mủ: đường bôi trực tiếp và đường uống.
- Kháng sinh đường bôi: Clindamycin, Erythromycin,…
- Kháng sinh đường uống: Tetracyclines (Minocycline, Doxycycline), Macrolides (Erythromycin, Azithromycin),…
Điều trị bằng phương pháp laser ánh sáng
Hiện nay tại các phòng khám da liễu, clinic điều trị mụn chuyên sâu sẽ dùng ánh sáng xanh (Blue Light Therapy) có bước sóng khoảng 415nm. Ưu điểm của bước sóng này là không xâm lấn, không gây tổn hại bên trong da, ngược lại còn làm dịu và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, hạn chế các tổn thương sau mụn mủ.
Cân bằng hệ vi sinh vật trên da
Một xu hướng chăm sóc da mới cập nhật hiện nay được gọi là Microbiome Balance Therapy, hướng tới chăm sóc làn da bền vững và khỏe mạnh. Thay vì trước đây, mụn mủ thường chỉ được khuyến cáo dùng kháng sinh nhưng điều này vô tình tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại trên da, khiến hàng rào da yếu đi. Do đó, việc bổ sung các lợi khuẩn như Prebiotics/Probiotics sẽ hỗ trợ kháng viêm, làm dịu và ngăn ngừa mụn mủ về sau đó.
Peel da hóa học
Bằng cách sử dụng những hoạt chất có nồng độ cao hơn như Axit Glycolic (AHA), Axit Salicylic (BHA), Mandelic Acid, Axit Trichloroacetic (TCA) để: loại bỏ tế bào chết, giảm viêm và thúc đẩy tái tạo da,… Tuy nhiên quá trình này nên được thực hiện bởi bác sĩ da liễu để kiểm soát nồng độ hoạt chất tốt nhất, tránh các tác dụng phụ sau peel da.
Không nên tự ý nặn mụn
Bên cạnh đó các bạn tuyệt đối không được điều trị mụn mủ bằng cách cạy nặn các nhân mụn tại nhà. Bởi điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, làm mủ vỡ ra và gây viêm nhiễm cho các vùng da lành xung quanh. Kèm theo đó, nặn mụn có thể là nguyên nhân dẫn đến thâm mụn, tăng sắc tố sau viêm và sẹo lõm về sau này. Do đó, hãy chăm sóc da thật tốt rồi các nốt mụn mủ sẽ biến mất nhé.
Phương pháp phòng ngừa mụn mủ tại nhà
- Thói quen làm sạch vừa đủ cho làn da: luôn làm sạch da tốt nhưng vẫn dịu nhẹ. Các bước làm sạch da cơ bản hàng ngày luôn cần có tẩy trang, sữa rửa mặt. Và duy trì thói quen tẩy tế bào chết 1 đến 2 lần mỗi tuần với AHA hoặc BHA tùy vào vấn đề kèm theo của da.
- Dùng kem dưỡng ẩm điều tiết dầu thừa: bên cạnh đó, đừng để da quá khô căng vì da phải tăng tiết dầu để bù đắp lại. Điều này sẽ khiến da dễ bị mụn tái đi tái lại. Nếu thuộc tuýp da dầu da mụn có thể chọn kem dưỡng kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh, công thức không chứa cồn khô nhé.
- Chế độ ăn uống khoa học: hãy ăn nhiều loại rau xanh, trái cây để tăng khả năng chống oxy hóa, giảm viêm bằng cách trung hòa gốc tự do. Kèm theo đó là hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ và các chất béo bão hòa từ động vật.
Mụn mủ là nhân mụn trứng cá viêm phổ biến đối với làn da của người Việt Nam, có cả ở nam và nữ giới. Do đó, tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị mụn mủ và phòng ngừa càng sớm sẽ hạn chế được những nguy cơ như: thâm mụn, sẹo mụn và tránh làm mụn bùng phát. Beaudy.vn hi vọng với những thông tin trong bài viết đã mang lại thật nhiều giá trị, giúp các bạn chăm sóc da hiệu quả và khoa học hơn mỗi ngày nhé.
Các bạn ơi, hãy cho mình biết ý kiến về bài viết này nhé!