Viêm nang lông gặp rất nhiều ở các bạn có làn dầu mụn và da nhạy cảm.Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng viêm nang lông khiến cho bề mặt da sần sùi, kém mịn màng, nổi mụn trắng li ti và gây mất tự tin. Nhưng bí quyết điều trị viêm nang lông vô cùng dễ dàng và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được. Hôm nay, Beaudy.vn sẽ cùng bạn khám phá cách trị viêm lông hiệu quả tại nhà để có làn da trắng sáng và mịn màng toàn thân nhé.
Viêm nang lông là gì?
Folliculitis là thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng viêm nang lông của cơ thể. Đây là một biểu hiện bệnh lý rất thường gặp ở các bạn trẻ, thanh thiếu niên, nguyên nhân gây nên viêm nang lông thường do vi khuẩn hoặc nấm. Bắt đầu tổn thương ở các nang lông, nơi có các sợi lông sẽ mọc ra, do đó bất kỳ vị trí nào có lỗ chân lông đều có nguy cơ bị viêm nang lông, trừ 2 vị trí là lòng bàn tay và lòng bàn chân sẽ không bị vấn đề này.
Viêm nang lông khi mới xuất hiện là những chấm nhỏ có màu đỏ hoặc mụn nhọt đầu trắng nổi gồ và sần sùi trên bề mặt da. Ở mức độ nhẹ, viêm nang lông hoàn toàn có thể điều trị khỏi bằng các phương pháp vệ sinh sạch sẽ tại nhà, chăm sóc da đúng cách, ăn uống và có chế độ sinh hoạt phù hợp. Nhưng có những tình trạng viêm nang lông nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiễm trùng, hình thành các vết loét lớn và gây khó chịu.
Nguyên nhân gây viêm nang lông
- Chăm sóc da không đúng cách: nguyên nhân hàng đầu hình thành nên viêm nang lông bắt nguồn từ việc làm sạch da không đúng cách. Lúc này đây, các bụi bẩn, dầu thừa và các tế bào chết tích tụ lại làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành và phát triển.
- Chọn mỹ phẩm không phù hợp: các thành phần chứa gốc dầu trong mỹ phẩm như (Mineral Oil, Petrolatum), Parabens, các chất tạo mùi hóa học,… đều có thể khiến da bị kích ứng và gây viêm nhiễm cho lỗ chân lông.
- Rối loạn nội tiết tố: ở độ tuổi dậy thì, các hormone Androgen, Testosterone hoạt động mạnh mẽ, khiến lượng dầu thừa càng nhiều hơn, dẫn đến lớp dầu tạo màng khiến lỗ chân lông không được “thở”, cùng với việc làm sạch không đúng cách và càng về lâu dài tình trạng viêm lỗ chân lông càng nặng nề.
- Yếu tố di truyền: viêm nang lông thường gặp ở các bạn nam, cơ địa có da dầu và hỗn hợp thiên dầu, da nhạy cảm,… Và viêm nang lông có thể di truyền qua nhiều thế hệ, nếu gia đình có anh chị em ruột, hay cha mẹ bị viêm nang lông thì nguy cơ bị cũng sẽ tăng cao hơn so với người khác.
Dấu hiệu nhận biết viêm nang lông trên cơ thể
Do đó, nhận biết các biểu hiện của viêm nang lông trên cơ thể là rất quan trọng, bởi những dấu hiệu vô cùng đa dạng và phong phú. Các nốt mụn mủ nhỏ và mụn đỏ xung quanh nang lông là những dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất, sau này sẽ chuyển sang nốt mụn nhỏ chứa dịch trắng hoặc vàng. Ngoài ra vùng da bị viêm nang lông rất dễ ngứa và rát, thường xuất hiện trước khi nhân mụn nổi nên và xuyên suốt trong suốt quá trình bị viêm nang lông. Khi vùng da xung quanh lỗ chân lông bị viêm trở nên sưng, đỏ và xuất hiện mảng da dày sừng, đóng vảy là dấu hiệu cần cảnh bảo để điều trị viêm nang lông kịp thời.
Viêm nang lông có biểu hiện nhiều ở các vị trí trên khuôn mặt như cằm và má (nơi đây thường xuyên tiếp xúc với mỹ phẩm), chân, nách và bikini (là 3 vị trí thường xuyên cạo lông khiến lông bị mọc ngược và vùng da trở nên nhạy cảm hơn).
Cách trị viêm nang lông hiệu quả tại nhà
Vệ sinh và chăm sóc da đúng cách
Để có thể trị viêm nang lông hiệu quả nhất, bước đầu tiên luôn cần làm là giữ cho làn da sạch sẽ và lỗ chân lông thông thoáng. Quá trình rửa mặt và tắm đúng cách, sẽ giúp da được loại bỏ các lớp dầu thừa rất hiệu quả, lấy đi các mảng da chết đã bong ra và ức chế sự hình thành của vi khuẩn.
- Trong quá trình vệ sinh cơ thể để trị viêm nang lông, nên sử dụng nước ấm thay cho nước nóng, vì nước nóng làm mất đi lớp dầu tự nhiên khiến da càng khô hơn, dễ kích ứng hơn.
- Nên chọn sữa rửa mặt và sữa tắm dịu nhẹ cho các vùng da trên cơ thể, ưu tiên các sản phẩm có chứa BHA (Salicylic Acid), Benzoyl Peroxide, lá neem, tinh dầu tràm trà,… để giúp kiểm soát dầu và kháng viêm cho da. Độ pH trong sản phẩm ở mức 5.5 sẽ không khiến da bị khô căng. Nên hạn chế luôn các loại hương liệu nhân tạo, gốc làm sạch từ Sulphates (SLS),…
- Sau khi làm sạch, nên dùng khăn mềm và sạch, thấm nhẹ hay vì chà xát vì dễ làm các vùng da bị viêm nang lông sần sùi và dễ bị tổn thương.
Chọn các sản phẩm giúp hỗ trợ trị viêm nang lông
Sau bước làm sạch da cơ bản, phần lớn các sợi bã nhờn, dầu thừa và tế bào chết được lấy đi. Tuy nhiên tình trạng viêm nang lông ở sâu bên trong sẽ không thể giải quyết bằng các sản phẩm rửa trôi. Do đó, sẽ cần thêm các loại dung dịch tẩy tế bào chết hoặc kem dưỡng có các thành phần như: Retinoids, Axit Glycolic (AHA), BHA, Benzoyl Peroxide,… để bôi thêm sau đó.
Khi da bị viêm nang lông thì nên tránh các phương pháp tẩy da chết vật lý có chứa hạt scrubs to, kích thước lớn và có kết cấu đặc. Vì có thể dễ làm da bị trầy xước, tạo ma sát khiến da bị kích ứng nhiều lên.
Áp dụng phương pháp tự nhiên trị viêm nang lông
Với một vài bạn không thích dùng mỹ phẩm và ưu tiên các sản phẩm thiên nhiên. Hoặc muốn kết hợp giữa thiên nhiên và khoa học để tăng hiệu quả. Có thể bổ sung thêm một vài giải pháp trị viêm nang lông bằng cách thành phần tự nhiên như dùng muối biển, giấm táo, bôi gel lô hội.
- Dùng muối biển tẩy tế bào chết: muối có tính sát khuẩn cao, làm sạch dầu, tế bào chết và cả vi khuẩn. Cho muối pha cùng với nước thành hỗn hợp sệt, massage nhẹ nhàng vùng da xung quanh theo chuyển động tròn và rửa sạch lại với nước ấm.
- Giấm táo để kháng khuẩn: giấm có tính axit nhẹ có thể kháng viêm, giảm vi khuẩn gây mụn hình thành. Pha 3 phần nước cùng 1 phần giấm táo, sau đó bôi nhẹ nhàng lên vùng da bị viêm nang lông, đợi khoảng vài phút và rửa sạch với nước. Tuy nhiên giấm táo có thể làm cho da bị châm chích, ngứa rát và khô da.
- Bôi gel lô hội (nha đam): đây là thành phần có chứa nhiều axit amin, khoáng chất, vitamin,… rất tốt để làm dịu và phục hồi cho làn da bị viêm nang lông. Chất gel lô hội sánh mịn và giàu độ ẩm giúp cân bằng lượng nước đã bị mất sau quá trình làm sạch, giúp lượng dầu thừa được ổn định hơn. Nha đam lành tính, tuy nhiên vẫn có ít cô nàng gặp phải kích ứng với thành phần này.
Xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh
Trong quá trình trị viêm nang lông, ngoài các sản phẩm bôi ngoài da, nên nuôi dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh từ bên trong. Các thực phẩm giàu omega 3, rau xanh, trái cây, probiotics giúp cung cấp dưỡng chất để da khỏe mạnh, giảm khô da và giảm nguy cơ nhạy cảm. Đồng thời nên tránh các nhóm đường và đồ ngọt, thực phẩm chiên rán vì dễ gây tăng tiết dầu, kích hoạt quá trình viêm nang lông nặng hơn.
Quá trình điều trị viêm nang lông nhẹ tương đối đơn giản, chỉ cần duy trì làn da sạch, cấp ẩm, kết hợp thêm các hoạt chất tẩy da chết, cùng chế độ sinh hoạt khỏe mạnh. Các phương pháp này kết hợp cùng nhau sẽ giúp cải thiện và hỗ trợ trị viêm nang lông đáng kể. Nhưng nếu viêm nang lông nặng hơn, kích ứng và chảy mủ nhiều nên thăm khám tại các bác sĩ da liễu. Beaudy.vn hi vọng qua bài viết hôm nay, đã mang đến nhiều thông tin có giá trị trên hành trình làm đẹp của tất cả mọi cô nàng.
1 phản hồi
Các bạn có thể đóng góp ý kiến của mình về bài viết này ở phần bình luận, mình sẽ rất cảm kích.