Tẩy tế bào chết là một trong những bước cực kỳ quan trọng trong quá trình skincare và cải thiện vẻ đẹp của da. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cô nàng chưa hiểu rõ về lợi ích, phương pháp cũng như những lưu ý khi mới tập làm đẹp. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu kỹ hơn về cách tẩy tế bào chết giúp làn da được “tút tát” hơn nhé.
- Tẩy tế bào chết là gì ?
- Lợi ích của làn da khi được tẩy da chết sẽ như thế nào?
- Làn da nào nên tẩy tế bào chết
- 2 phương pháp tẩy tế bào chết phổ biến hiện nay
- 4 bước tẩy tế bào chết đúng cách tại nhà an toàn và hiệu quả
- Bước 1: Xông hơi da mặt làm giãn nở lỗ chân lông
- Bước 2: Làm sạch da
- Bước 3: Tẩy tế bào chết
- Bước 4: Thoa kem dưỡng ẩm
- Giải đáp những thắc mắc khi tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết là gì ?
Thông thường, da của chúng ta sẽ tự động loại bỏ các tế bào da chết để tái tạo các tế bào da mới. Tuy nhiên, phần tế bào chết không được làm sạch triệt để sẽ dẫn đến tình trạng da khô, bong tróc, xỉn màu. Nhờ vào tác động của phương pháp tẩy tế bào chết sẽ giúp phần da chết được đào thải triệt để hơn. Từ đó, thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào mới và mang lại nhiều lợi ích tích cực cho da.
Bạn biết đó cứ mỗi 28 ngày làn da chúng ta sẽ tự thay mới, các tế bào cũ sẽ cần được loại bỏ, ở đây bao gồm cả: da chết, khói bụi, dầu nhờn tích tụ mỗi ngày. Vì thế nếu chỉ làm sạch da thông thường, khó thể giúp da thoáng sạch triệt để được, nên tẩy da chết bắt đầu xuất hiện, thể hiện vai trò của mình.
Lợi ích của làn da khi được tẩy da chết sẽ như thế nào?
Ngay khi da chết được loại bỏ sẽ giúp bụi bẩn, bã nhờn được làm sạch, lỗ chân lông được thông thoáng, không bí tắc. Việc này sẽ giúp da giảm tình trạng tiết nhiều dầu nhờn, nổi mụn, viêm da. Kiên trì tẩy tế bào chết thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo da, sản sinh collagen và eslatin giúp cải thiện tình trạng da xỉn màu, da không đều màu, giúp da trắng sáng và mịn màng hơn. Tẩy da chết giúp da tăng cường hấp thu các dưỡng chất, tăng độ đàn hồi, chống chảy xệ, giảm nhăn và ngăn ngừa lão hóa da.
Bạn có thể thấy các lợi ích nổi bật của tẩy da chết như:
- Tẩy sạch da chết giúp lỗ chân lông thông thoáng.
- Làm sạch bụi bẩn ngăn mụn phát sinh.
- Cải thiện làn da mềm mại, mịn màng.
- Dưỡng da sáng khỏe đều màu.
- Hỗ trợ giảm nếp nhăn, chống lão hóa.
Làn da nào nên tẩy tế bào chết
Thông thường, da của chúng ta được chia thành 5 loại chính: da thường, da nhạy cảm, da khô, da dầu và da hỗn hợp. Đương nhiên, tẩy da bào chết là công đoạn chăm sóc mà bất kỳ làn da nào cũng nên áp dụng. Điều bạn cần lưu ý chính là hiểu được nhu cầu của da để tìm phương pháp và sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp. Ví dụ như làn da dầu nên chọn tẩy da dạng hạt hay gel để loại bỏ dầu nhờn hiệu quả.
Còn làn da nhạy cảm nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa thành phần kích ứng da, đặc biệt là các phương pháp vật lý sử dụng hạt nguyên liệu kích thước to, chưa được xay nhuyễn. Các tác nhân này sẽ làm da dễ trầy xước, mẩn cảm hơn bình thường, vì thế bạn nên cân nhắc sản phẩm dùng xem có phù hợp không nhé!
2 phương pháp tẩy tế bào chết phổ biến hiện nay
Hiện nay có hai phương pháp tẩy da chết phổ biến nhất gồm: tẩy tế bào chết vật lý và tẩy tế bào chết hóa học. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về những ưu và nhược điểm của hai phương pháp này nhé.
1. Tẩy tế bào chết vật lý
Tẩy tế bào chết vật lý sẽ giúp các tế bào chết của da được loại bỏ thông qua việc tác động bằng cách ma sát, massage trên bề mặt da. Hai dạng tẩy tế bào chết vật lý phổ biến là dạng scrub (bằng các nguyên liệu như bột cám gạo, đường, muối) hoặc peeling gel. Phương pháp này phù hợp với làn da thường, da dầu hoặc hỗn hợp.
Ưu điểm
- Làm sạch da nhờ việc thao tác massage trên bề mặt da
- Nguyên liệu đơn giản, dễ thực hiện tại nhà
- Giúp da trắng sáng, mịn màng rõ rệt sau khi thực hiện
- Thời gian cho mỗi lần thực hiện không tốn nhiều thời gian
- Các hạt scrub giúp làn da được thư giãn trong khi tẩy da
Nhược điểm
- Việc thao tác quá mạnh sẽ khiến da dễ bị tổn thương, bào mòn da
- Chỉ tác động trên bề mặt da, không lấy đi lượng tế bào chết sâu bên trong
- Các hạt scrub có thể khiến da bị thương, kích ứng, đặc biệt với da nhạy cảm
- Da dễ bị khô, mất cân bằng độ pH sau khi thực hiện
2. Tẩy tế bào chết hóa học
Tẩy tế bào chết hóa học sử dụng các sản phẩm có chứa các hoạt chất acid như AHA, PHA, BHA giúp xâm nhập và loại bỏ các tế bào chết sâu trong da. Tẩy da chết hóa học sẽ giúp loại bỏ triệt để phần da chết cũng như cải thiện các vấn đề sâu gốc như mụn viêm, sẹo, thâm sạm ở da. Chính vì thế, tẩy da chết hóa học phù hợp với làn da thâm sạm, da mụn muốn cải thiện triệt để tình trạng da. Ngoài ra, tẩy da hóa học sẽ giúp da sản sinh nhiều collagen và eslatin nuôi dưỡng làn da.
Ưu điểm
- Có thể thẩm thấu và phá vỡ liên kết tế bào chết sâu bên trong da
- Có thể khắc phục cả những vấn đề da thâm sạm, tàn nhang hay sẹo trên da
- Mang lại hiệu quả lâu dài cho da
- Chỉ cần thực hiện từ 1-2 tuần/ lần
- Thao tác dễ dàng, không cần phải massage để lấy đi da chết
Nhược điểm
- Da khi tẩy hóa học dễ bị khô và bong tróc da
- Cần có khoảng thời gian để da hồi phục cho lần tẩy da tiếp theo
- Da dễ bị kích ứng với một số hoạt chất acid có nồng độ mạnh
- Da sau khi tẩy tế bào chết sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời
4 bước tẩy tế bào chết đúng cách tại nhà an toàn và hiệu quả
Bước 1: Xông hơi da mặt làm giãn nở lỗ chân lông
Xông mặt sẽ là bước “mở đường” cho phương pháp tẩy tế bào chết tại nhà. Việc xông mặt sẽ giúp lỗ chân lông được giãn nở, giúp loại bỏ một phần bụi bẩn và bã nhờn trên da. Bạn có thể dùng các nguyên liệu tự nhiên như chanh, sả, gừng hoặc tinh dầu để xông cùng. Có hai cách xông cơ bản: cho nguyên liệu vào một tô nước ấm và chùm khăn lên kín đầu để xông hoặc thêm tinh dầu vào máy xông mặt. Mỗi lần chỉ nên xông từ 5-10 phút.
Bước 2: Làm sạch da
Bạn nên dùng dầu tẩy trang và sữa rửa mặt để loại bỏ lớp trang điểm cũng như bụi bẩn trên bề mặt da. Sau khi tẩy trang bằng các sản phẩm dạng gel, dầu tẩy trang, dùng sữa rửa mặt và massage đều theo vòng tròn, thao tác từ mặt vuốt lên còn giúp da được săn chắc, bớt chảy xệ. Sau 5 phút, rửa sạch và lau mặt bằng khăn mềm. Với những ai có làn da mụn, có thể rửa mặt bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý làm dịu da.
Bước 3: Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết vật lý
Với cách tẩy da chết vật lý, bạn có thể sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc tự làm hỗn hợp tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên như bột cám gạo, bã cà phê, đường. Hãy lấy một lượng vừa đủ và thoa lên da, massage từng tí một theo hướng vòng cung và chiều hướng lên. Chỉ nên massage nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh gây tổn thương da. Thực hiện trong vòng 10-15 phút sau đó rửa sạch mặt bằng nước ấm.
Tẩy tế bào chết hóa học
Khi tẩy tế bào chết hóa học, bạn nên lưu ý ở bước chọn sản phẩm chứa hoạt chất acid có công dụng và nồng độ phù hợp với da. Khi thực hiện, hãy apply một lượng vừa phải lên da tránh tình trạng quá nhiều khiến da dễ bị kích ứng. Sau đó, đợi tầm 20-30 phút để da bắt đầu thực hiện tẩy da chết và có thể xảy ra tình trạng da bị bong tróc nhẹ. Không nên sờ tay lên mặt hoặc bóc gỡ phần da bị bong tróc vào lúc này nhé.
Bước 4: Thoa kem dưỡng ẩm
Sau khi tẩy tế bào chết da thường bị khô và mất cân bằng độ pH. Hãy thoa một lớp kem dưỡng ẩm giúp làm dịu và phục hồi da. Đối với làn da tẩy bằng phương pháp hóa học sẽ nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Hãy chọn các sản phẩm dưỡng ẩm thuần tự nhiên và không chứa nhiều thành phần hóa học.
Giải đáp những thắc mắc khi tẩy tế bào chết
Nên tẩy tế bào chết vào buổi nào trong ngày?
Việc tẩy tẩy da chết có thể áp dụng cả vào buổi sáng và tối tùy vào nhu cầu của da. Khi ngủ dậy, nếu thấy da trở nên xỉn màu và thiếu sức sống, bạn có thể tẩy tế bào chết để tái tạo lại cho da. Nếu bạn thường xuyên phải trang điểm và hoạt động ngoài trời, nên thực hiện tẩy da chết vào buổi tối để giúp da được loại bỏ bụi bẩn và phục hồi. Ngoài việc tẩy da chết, nên sử dụng thêm serum, đắp mặt nạ và dùng sản phẩm đặc trị khi skincare buổi tối.
Da mụn có nên tẩy tế bào chết không?
Nếu bạn thường gặp phải các vấn đề về mụn do bít tắc lỗ chân lông như mụn đầu đen, mụn ẩn và đầu trắng thì nên thực hiện việc tẩy da chết cho da. Da bị viêm mụn dễ bị tổn thương, chảy máu hơn so với làn da khỏe mạnh nên hãy ưu tiên sử dụng các sản phẩm có chứa BHA, dạng gel để không gây kích ứng da. Trong trường hợp bạn thấy những vết mụn lan rộng và ngứa rát, có thể da của bạn đang bị kích ứng. Hãy ngưng việc tẩy tế bào chết và đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị.
Tẩy tế bào chết xong nên thoa gì?
Sau khi tẩy tế bào chết xong, da thường bị khô, bong tróc nhưng cũng là thời điểm lỗ chân lông được thông thoáng giúp các dưỡng chất được thẩm thấu tốt hơn. Vì thế, sau khi tẩy da chết, bạn nên sử dụng thêm serum, kem dưỡng da, dưỡng ẩm giúp da được cấp ẩm và phục hồi nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bạn có thể đắp thêm các loại mặt nạ chứa thành phần tự nhiên như mật ong, nghệ, trà xanh giúp da trắng mịn hơn.
Một tuần nên tẩy tế bào chết bao nhiêu lần?
Bạn nên áp dụng phương pháp tẩy tế bào chết cho da từ 1-2 lần/ tuần. Mỗi ngày, da chúng ta liên tục đào thải các tế bào chết, mồ hôi, bã nhờn nên bạn hãy chăm chút vào việc làm sạch tế bào chết cho da. Tuy nhiên, với những ai áp dụng phương pháp tẩy da vật lý không nên thực hiện quá nhiều lần. Bởi những tác động ma sát lên da thường xuyên có thể gây tổn thương và bào mòn da.
Có cần thoa kem chống nắng sau khi tẩy da chết không?
Tia UV từ ánh nắng mặt trời luôn là kẻ thù đối với làn da bạn vào bất cứ khi nào. Hơn thế nữa, sau khi tẩy tế bào chết, làn da cũng trở nên nhạy cảm hơn. Chính vì thế, bạn nên thoa kem chống nắng vào ban ngày, ban trưa khi ánh nắng mặt trời hoạt động mạnh nhất. Việc thoa kem chống nắng sẽ giúp tạo lớp màn bảo vệ giúp da được bảo vệ tối đa hơn. Ngoài ra, bạn nên đeo khẩu trang và kiếng mát khi đi ra ngoài, giúp da không bị bắt nắng và sớm lão hóa.
Một số bài viết bạn có thể theo dõi:
- Gợi ý chế độ chăm sóc da cho nam giới phù hợp với từng loại da
- Tất tần tật về phương pháp cải thiện bề mặt da với công nghệ Co2 laser tốt nhất hiện nay
- Châm cứu da mặt – lựa chọn tuyệt vời để điều trị da lão hóa
Trên đây là tất cả thông tin về lợi ích cũng như phương pháp và những lưu ý khi tẩy tế bào chết cho da. Chăm chỉ tẩy tế bào chết sẽ giúp làn da được cải thiện một cách rõ rệt. Vì thế, sau khi đã tham khảo bài viết này thì bạn hãy “ngưng lười” và thường xuyên tẩy tế bào chết hơn nhé. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết, bình luận ngay nếu những thông tin trên có ích với bạn nha!