Bỏ vài triệu đồng để có được một mái tóc uốn ưng ý nhưng tóc lại nhanh thẳng, không vào nếp, thậm chí là khô xơ, chẻ ngọn. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Làm sao mới có thể giữ được nếp tóc uốn đẹp như mong muốn. Hãy cùng nhau lưu lại 5 cách chăm sóc tóc uốn đơn giản mà hữu hiệu dưới đây nha!
Nguyên nhân khiến tóc uốn nhanh duỗi
Nhiều người thường tự hỏi tuổi thọ của một mái tóc uốn sẽ khoảng bao nhiêu lâu? Điều này còn tùy thuộc vào kiểu tóc uốn, cách uốn và chất lượng thuốc uốn. Tuy nhiên thời gian trung bình cho mỗi lần uốn tóc thường kéo dài 4-6 tháng, nếu có nhuộm tóc thì thời gian này sẽ giảm xuống còn 3-4 tháng. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp chỉ sau 1-2 tháng, đôi khi là vài tuần nếp uốn đã bị duỗi và khiến tóc khô xơ.
Dưới đây là một vài nguyên nhân lý giải cho hiện tượng tóc uốn nhanh duỗi:
- Kỹ thuật uốn và chất lượng thuốc uốn: đây là yếu tố hàng đầu quyết định đến chất lượng của mái tóc. Nếu thuốc uốn kém chất lượng hoặc có nồng độ không phù hợp với thể trạng của tóc sẽ khiến tóc bị duỗi nhanh. Bên cạnh đó việc uốn không đúng kỹ thuật, tác động nhiệt hoặc lực uốn sai cách cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của mái tóc uốn.
- Do chất tóc yếu: đối với những mái tóc gặp nhiều hư tổn như chẻ ngọn, khô xơ hoặc tóc mỏng yếu thì quá trình xử lý hóa chất và tác động nhiệt cũng sẽ gặp khó khăn. Ví dụ như tóc không ăn thuốc thì hiệu quả uốn cũng sẽ giảm rõ rệt.
- Lạm dụng máy sấy và máy tạo kiểu: việc sử dụng máy sấy hoặc máy tạo kiểu ở nhiệt độ cao quá nhiều sẽ khiến cho liên kết keratin yếu dần và nhanh chóng khiến tóc bị đứt gãy và khô xơ. Đặc biệt với tóc uốn đã bị tác động nhiệt và thuốc lại càng dễ bị tổn thương hơn.
- Không dùng dầu xả: nhiều người có suy nghĩ rằng dầu xả chỉ dành cho tóc thẳng hoặc dùng dầu xả sẽ khiến tóc uốn nhanh bết và bị xẹp. Tuy nhiên nguồn ẩm trong dầu xả hoặc các loại kem ủ tóc không chỉ giúp mái tóc khỏe mạnh hơn mà còn tăng độ phồng và suôn mượt cho tóc.
- Dùng lược quá dày để chải tóc: những chiếc lược có răng dày chính là kẻ thù của những mái tóc uốn bởi chúng làm cho mái tóc nhanh duỗi hơn, nếp tóc cũng theo đó mà mất dần.
- Để tóc lộn xộn khi ngủ: nếu để xõa tóc đi ngủ sẽ khiến sợi tóc ma sát với gối nhiều hơn, khiến chúng bị gãy, bị hỏng và mất đi form dáng ban đầu.
5 cách chăm sóc tóc uốn giúp tóc giữ nếp lâu
1. Để tóc nghỉ ngơi sau khi uốn
Thông thường quá trình uốn tóc thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ với nhiều lần tác động nhiệt và thuốc uốn khác nhau. Chính vì vậy sau khi thực hiện uốn tóc hãy để cho mái tóc nghỉ ngơi bằng cách không chạm vào tóc quá nhiều và không gội đầu ít nhất 3 ngày sau khi uốn. Lý do là bởi vì tóc cần thời gian để cho dưỡng chất và thuốc uốn thấm sâu vào sợi tóc để giúp cho việc định hình form tóc tốt hơn.
Bên cạnh việc không gội đầu quá sớm thì bạn cũng nên hạn chế tạo kiểu bằng máy hoặc keo vuốt sau khi uốn để tóc được thư giãn đúng nghĩa. Hãy thả suông tóc, không buộc đuôi ngựa hay búi tóc quá chặt làm sợi tóc bị gãy và đứt. Mặc dù cảm giác này sẽ hơi khó chịu một chút nhưng nếu thực hiện tốt tóc sẽ bồng bềnh, suôn mượt hơn và hạn chế được hư tổn.
2. Làm sạch tóc đúng cách để không làm hỏng lọn xoăn
Sau khoảng thời gian 3-4 ngày chờ đợi để mái tóc có thời gian hồi phục thì cũng là lúc những sinh hoạt chăm sóc tóc hằng ngày trở lại. Và một trong những quá trình cần thiết nhất cho mái tóc chính là làm sạch. Tuy nhiên cách làm sạch ra sao, thao tác như thế nào để tóc uốn giữ được lâu lại là điều đáng để lưu tâm.
Đầu tiên là dầu gội, bạn nên chọn các sản phẩm phục hồi tóc, vì sau uốn tóc sẽ cực kì yếu. Thêm vào đó tránh các sản phẩm có sunfate, paraben hoặc cồn, bởi lẽ những chất này có khả năng tẩy mạnh làm cho tóc khô và xơ hơn. Đối với tóc uốn, bạn nên gội đầu bằng nước lạnh hoặc nước mát sẽ giúp tóc suôn mượt. Nếu nước nóng quá sẽ vô tình làm giãn nở nang tóc khiến cho các hoạt chất giữ nếp ở thuốc bị cuốn trôi, nếp tóc cũng nhanh giãn hơn.
Bên cạnh dầu gội thì cách gội cũng là điều quan trọng, bạn nên nhớ chỉ nên dùng phần thịt ở ngón tay hoặc lược silicon răng thưa để massage tóc thôi. Thay vì vò hoặc chà xát phần thân tóc khiến cho nếp uốn mất đi và tóc bị gãy rụng thì hãy dùng lực và bóp tóc nhẹ nhàng theo nếp uốn là tốt nhất để làm sạch thân tóc. Sau đó hãy dùng thêm dầu xả để giúp tóc mềm mại và bồng bềnh hơn.
Khi lau tóc nên dùng khăn mềm và thấm nhẹ nhàng thay vì chà xát vào khăn khiến tóc bị tổn thương. Trong trường hợp cần dùng máy sấy nên để ở chế độ nhẹ hoặc chế độ sấy lạnh để tóc khô dần dần, cùng với đó dùng lược tròn hoặc lược răng thưa để gỡ rối cho mái tóc. Nếu có điều kiện kinh tế hơn, bạn có thể dùng kèm loa sấy để giữ và tạo kiểu cho mái tóc xoăn tốt hơn.
3. Tranh thủ khi ngủ để giữ nếp tóc
Như đã nhắc qua ở bên trên, khi ngủ nếu để xõa tóc sẽ vô tình khiến tóc bị gãy rụng và ảnh hưởng đến nếp uốn. Chính vì thế hãy tranh thủ lúc ngủ để giữ nếp và tạo kiểu cho mái tóc uốn của mình, dưới đây sẽ là một vài tips nhỏ mà bạn có thể áp dụng:
- Nếu tóc dài hãy tết tóc lại và đi ngủ: lưu ý không nên tết tóc quá chắt và quá sát da đầu để tránh tóc bị gãy, tốt nhất nên lựa theo nếp uốn để tết và cố định bằng dây buộc tóc vải.
- Dùng gối mềm: nếu bạn đang dùng gối quá cứng thì hãy đổi ngay cho mình một em gối mềm mại hơn. Bởi vì nếu gối quá cứng, vỏ gối sần sùi sẽ gây ra ma sát với tóc khiến cho tóc mất nếp và bị đứt gãy nhanh hơn.
- Sử dụng lô xốp: khi dùng lô cuốn để tạo kiểu và giữ nếp bạn nên chọn lô xốp vì chúng mềm mại hơn, nếu dùng lô nhựa khi ngủ có thể vô tình đè vào khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
4. Bổ sung độ ẩm và dưỡng chất
Dù để kiểu tóc gì thì độ ẩm vẫn là điều quan trọng đối với tóc, đây là nhân tố giúp cho tóc mềm mại, bóng mượt và hơn hết là giữ được nếp tóc như mong muốn. Bên cạnh việc cung cấp dưỡng chất cho tóc qua dầu xả thì bạn có thể ủ tóc bằng kem xả 1 lần/ trên tuần. Hãy chọn sản phẩm có chứa keratin hoặc tinh dầu argan để giúp tóc chắc khỏe và củng cố hàng rào bảo vệ tóc.
Ngoài ra bạn có thể dùng thêm serum hoặc tinh chất dưỡng tóc để giúp thân tóc giữ nếp uốnvà cải thiện độ bóng mượt cho tóc. Luôn ưu tiên những sản phẩm có thành phần dầu thực vật như dầu hướng dương, mắc ca, dầu dừa hoặc dầu ô liu.
5. Hạn chế tác động nhiệt quá cao
Có rất nhiều người dù đã uốn tóc nhưng vẫn dùng máy để tạo kiểu, điều này vô tình làm cho nếp uốn mất đi và tóc dễ khô, trẻ ngọn. Tác động nhiệt độ quá cao mà lại lệch với nếp uốn có sẵn thì chính là tự phá hủy mái tóc uốn của mình, tóc sẽ dễ gẫy hơn và khó phụ hồi lại. Khi muốn tạo kiểu hãy đợi lúc nếp tóc đã duỗi bớt, tức là khoảng 2-3 tháng sau uốn.
Và trước khi tạo kiểu hãy luôn trang bị trước xịt dưỡng tóc hoặc dầu dưỡng để hạn chế tối thiểu tác động nhiệt xấu lên tóc. Một lưu ý nữa đó là nhiệt độ lý tưởng của máy tạo kiểu nên giữ ở mức 180 độ C, vừa giúp tạo kiểu tốt mà không làm tổn thương đến các nang tóc.
Bạn có thể xem thêm nhiều bài viết thú vị dưới đây:
- 8 cách uốn tóc tại nhà đơn giản, tiết kiệm mà xịn xò không kém gì ngoài tiệm
- Tóc mỏng thưa nên để kiểu gì? 6 kiểu tóc đỉnh cao giúp nàng nâng tầm nhan sắc
Làm đẹp là nhu cầu và là đặc quyền của mỗi người trong số chúng ta, và để có thể đón đầu những xu hướng làm đẹp mới nhất, hiệu quả nhất thì đừng quên ghé thăm chúng tớ mỗi ngày nha!